Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:52 (GMT +7)
Đường Trường Sơn - Bản hùng ca bất diệt
Thứ 5, 20/04/2023 | 13:55:36 [GMT +7] A A
Chúng tôi trở lại chiến trường xưa lần này khác với những lần trước, bởi năm 2023 này là kỷ niệm 50 năm ngày tôi vào chiến trường miền Nam (1973-2023). Cách đây nửa thế kỷ, chúng tôi - những chàng trai tuổi 18-20 tràn đầy khát vọng, nhiệt huyết từ quê hương Đệ tứ Chiến khu Đông Triều theo tiếng gọi của Đảng và Tổ quốc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chia lửa với miền Nam, cùng quân và dân cả nước tiến về Sài Gòn làm lên một đại thắng mùa xuân 1975, thu non sông về một mối, thống nhất Tổ quốc, cả nước hát khải hoàn ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Bao ký ức chiến trường xưa ùa về trước chuyến đi cả tuần như thước phim cũ quay lại.
Đúng 5h00 ngày 11/3/2023, chiếc xe 16 chỗ xuất phát từ thị xã Đông Triều đưa chúng tôi Nam tiến. 12 thành viên trên xe chủ yếu là Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn thị xã Đông Triều. 18h cùng ngày, xe đến thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) - quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, người kiến trúc sư của con đường Trường Sơn huyền thoại và quê hương Mẹ Suốt anh hùng. Đoàn nghỉ lại đây, sáng hôm sau 5h xuất phát, đích đến là thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).
Ăn sáng xong, cả đoàn vào viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - nơi an nghỉ của 10.327 liệt sĩ của khắp các tỉnh, thành phố cả nước. Do đã liên hệ với Ban Quản trang trước, nên khi đoàn chúng tôi đến đã có đầy đủ nghi lễ được sắm sửa chu đáo, vòng hoa ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Sau tiết nhạc “Hồn tử sĩ” trầm lắng bi hùng, vang lên bài hát “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, do ca sĩ Đức Tuất trong đoàn thể hiện. Lời ca quện với hương trầm nghi ngút, vang vọng khắp nghĩa trang. Chắc đồng đội tôi rất vui khi có đồng hương đến thăm, chẳng thế mà sáng nay gió Trường Sơn bịn rịn, nắng Trường Sơn lao xao, suối Trường Sơn rì rào, hòa vào nhau tạo thành bản giao hưởng bè trầm ru vào tâm hồn những giai điệu mát rượi, ngọt ngào của tiết trời cuối xuân. Hôm nay trời, đất và lòng người như hòa làm một.
Chúng tôi di chuyển xuống khu vực mộ các liệt sĩ quê tỉnh Quảng Ninh. Nơi đây 81 đồng đội của tôi đang nằm yên nghỉ. Trong đó, có 4 đồng đội nhập ngũ cùng ngày, cùng năm 1973 với tôi là: Chức (phường Kim Sơn), Chỉnh (phường Hưng Đạo), Sự (phường Mạo Khê), Tính (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên). Làm lễ viếng xong, chúng tôi thắp hương hết các phần mộ. Những làn gió thổi nhè nhẹ ấm áp tâm can. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra từ bao giờ không biết, nhòa theo con đường trong Nghĩa trang Trường Sơn.
Chúng tôi ngoái lại chia tay đồng đội, tiếp tục cuộc hành trình dọc đường 9. Trên đường đi, xe đỗ ở rất nhiều điểm để tôi thuyết minh những địa danh mà nơi đây, với tôi còn dày bao kỷ niệm. Nào là cầu Đakrông, nơi đại đội tôi trực tiếp thiết kế kỹ thuật để tra khối bộc phá trên 3 tấn san phẳng phía quả đồi, mở màn cho đợt tổng công kích đoạn từ Km0 đường 14 đến A Sầu, A Lưới, đánh thông để chuẩn bị cho những chuyến hàng nặng trở vào cho chiến dịch. Đợt tổng công kích này do Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên trực tiếp chỉ huy. Rồi đến cầu Rào Quán, nơi tôi trực tiếp cùng 3 đồng đội khảo sát, đo đạc lên phương án và bản vẽ kỹ thuật, báo cáo Tham mưu trưởng Sư đoàn 473 Đỗ Xuân Diễn duyệt cho bộ đội thi công mở rộng cua cầu Rào Quán để xe thông dễ dàng. Đây là Trạm xá 515, nơi tôi bị cơn sốt rét ác tính hành hạ cuối năm 1973 được đồng đội cáng lên điều trị. Kia là rừng Tà Cơn, nơi tôi mắc võng, buổi đầu tiên đặt chân đến Trường Sơn bị cơn bão số 10 năm đó hoành hành, tăng, võng bay trong gió giật. Rồi đến cầu Cha Ky, nơi diễn ra trận đánh ác liệt giữa ta và địch, tranh chấp nhau từng tấc đất, ụ súng năm 1971. Căn cứ Làng Vây giờ vẫn còn đó chiếc xe tăng như minh chứng cho chiến tranh để khách du lịch đến chiêm ngưỡng. Những ngã ba, ngã bảy, những con đường, những trọng điểm và con suối, dòng sông đều ghi bao chiến công của bộ đội ta trong những năm tháng gian khổ, hy sinh, nhạt muối, vơi cơm trên chiến trường Trường Sơn.
Chúng tôi đứng trên đỉnh Khe Sanh cùng hát bài “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” của nhạc sĩ Huy Du, tiếng hát chen vào hương rừng thơm ngát của buổi trưa Trường Sơn huyền diệu.
Sáng hôm sau (13/3/2023), chúng tôi đến viếng Nghĩa trang huyện Hướng Hoá, nằm ngay thị trấn Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị). Đây là nơi yên nghỉ của gần 2.500 liệt sĩ. Chúng tôi gióng chuông, trống và chiêng, sau đó thắp hương làm lễ viếng. Lễ viếng xong thì trời đổ mưa to. Ở nghĩa trang này có tới hơn 70% mộ ghi “chưa rõ tên”. Trong đó có cả những người nhập ngũ cùng ngày với tôi. Người quản trang cho biết, vừa mới có 2 hài cốt mộ liệt sĩ quy tập trên nước bạn Lào về đây chờ đi mai táng, cũng không xác định được tên, tuổi, quê quán. Chúng tôi thắp hương 2 liệt sĩ mà lòng xót xa quặn thắt, nước mắt mọi người nhòa vào cơn mưa Trường Sơn.
Để kịp chương trình và thời gian, 5h ngày 14/3/2023, chúng tôi tạm biệt Khe Sanh để đến Thành cổ Quảng Trị. Ở đây, Ban Quản lý di tích đã chuẩn bị cho chúng tôi đầy đủ nghi lễ để thắp hương. Khi nghe hướng dẫn viên thuyết minh về 81 ngày đêm hoa lửa, máu xương của bao chiến sĩ đổ xuống gìn giữ từng tấc đất nơi đây, lòng chúng tôi nghẹn ngào xúc động. Tôi đến đây đã nhiều lần, lần nào cũng không kìm được nước mắt, nỗi đau ẩn trong tâm can.
Cột tượng đài cao vút được thiết kế ba đám mây, ba bát cơm, mô phỏng cho thuyết Thiên - Địa - Nhân (trời, đất và lòng người giao hòa). Đài tưởng niệm được xây dựng chính giữa thành cổ, được đắp nổi bằng đất có hình một nấm mộ chung cho các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh mà không tìm được hài cốt. Trên tượng đài khói hương nghi ngút hòa vào lời bài hát “Cỏ non thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền. Trong tiếng nhạc trầm hùng, bi ai của “Hồn tử sĩ” quện vào gió, mây vút tận trời cao, ru các linh hồn siêu thoát về nơi cực lạc, chúng tôi nghe rõ lời thầm thì của các liệt sĩ vọng về lạnh buốt tâm hồn. Xin mượn 4 câu thơ của nhà thơ Lan Hương viết về mảnh đất này:
“Về chiến trường xưa, viếng thăm thành cổ
Mảnh đất thiêng còn đọng vết thương lòng
Cỏ non xanh, nhưng máu ứa trong tim
Nhẹ bước chân, các anh còn nằm đó…”.
Sáng hôm sau, chúng tôi về di tích Ngã ba Đồng Lộc, nơi 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong trận bom máy bay Mỹ trút xuống chiều 24/7/1968. Các chị đã dựng lên một tượng đài bất tử trong lòng Tổ quốc. Trong hương trầm nghi ngút lồng vào tiếng nấc nghẹn lời của người hướng dẫn viên, ai cũng cảm động, xót xa. Tôi như chợt nghe tiếng hát xa xa của các chị trên núi Trọ Voi vọng về bài hát “Cô gái mở đường” của nhạc sĩ Xuân Giao: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát ai vang động cây rừng. Phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát....”. Những cây bồ kết bên 10 phần mộ các chị đã ra hoa, chuẩn bị kết trái chải mái đầu cho các chị chưa kịp tắm, gội vào buổi chiều 24/7 định mệnh ấy. Các chị hy sinh cho Tổ quốc trường tồn.
Đường Trường Sơn huyền thoại - đường Hồ Chí Minh anh hùng là kỳ tích của thế kỷ XX, là sản phẩm kỳ diệu của tài năng, sáng tạo, của lòng kiên nhẫn của người Việt Nam vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, hiểm nguy để dành chiến thắng. Đường Trường Sơn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sáng tạo độc đáo về chiến lược quân sự của Đảng và quân đội ta, con đường của lương tri và phẩm giá con người. Con đường Trường Sơn là biểu tượng của tình đoàn kết Việt Nam - Lào - Campuchia để chống kẻ thù chung. Đường Trường Sơn mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca chói lọi.
Ngày nay, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành quốc lộ Bắc - Nam hiện đại, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở ra chương mới để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Dự án hơn 3.000km đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành phố đang được hoàn thiện bắt nguồn từ Pác Bó (Cao Bằng) tới mũi Cà Mau sẽ hoàn thành một ngày không xa. Đường Trường Sơn đi qua nhiều danh lam, thắng cảnh, chiều dài đất nước, đó là lợi thế phát triển du lịch, đem lại nguồn lợi kinh tế - xã hội tại các địa phương này trong thời kỳ hội nhập. Đường Trường Sơn - bản hùng ca bất diệt.
28/3/2023
Ký của Trần Quang Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()