Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 03:38 (GMT +7)
Đường sắt tốc độ cao có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm
Thứ 2, 23/09/2024 | 17:55:55 [GMT +7] A A
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ 350km/h.
Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao
Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tinh thần chỉ đạo khẩn trương, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị để quyết tâm dự án sẽ góp phần mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho đất nước.
Tại Hội nghị Trung ương 10, Ban chấp hành Trung ương nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để hiện thực hóa chủ trương định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hàng lang Bắc - Nam - là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh.
Ban chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao với vận tốc 350km/h.
"Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Do tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sớm đầu tư dự án, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã giao Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định. Trung ương yêu cầu việc chuẩn bị hồ sơ cần tiếp tục được thực hiện thật kỹ lưỡng để xin ý kiến Quốc hội, cùng với đó là một số cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án, vấn đề áp dụng công nghệ và làm chủ công nghệ để các đại biểu Quốc hội cho ý kiến ngay tại kỳ họp sắp tới.
Ông Bùi Văn Cường - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: "Để chúng ta có một tuyến đường sắt đáp ứng các yêu cầu theo định hướng của Trung ương, tôi cho rằng Quốc hội sẽ bàn và sẽ có những ý kiến trao đi đổi lại, thảo luận, tranh luận để chúng ta đưa ra phương án tốt nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương đã đặt ra".
"Tuyến đường sắt tốc độ cao được Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT những nghiên cứu đầu tiên từ năm 2005 và chưa bao giờ nó trở nên cấp thiết như hiện nay. Việc đầu tư dự án đã được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng trong và việc đầu tư này là hiện thực hoá chỉ đạo của Đảng, hiện thực hóa quy hoạch tổng thể quốc gia", ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, thì ước mơ về một tuyến đường sắt tốc độ cao đang đến rất gần. Theo tính toán, đường sắt tốc độ cao có thể đóng góp khoảng 1 điểm % tăng trưởng GDP mỗi năm. Đường sắt tốc độ cao sẽ tăng cường kết nối vùng miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan toả, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài 1.541km, được đề xuất đầu tư với quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ 350km/h.
Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh).
Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến đường sắt tốc độ cao phấn đấu tới 2035 phải hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo tính toán sơ bộ thì tổng kinh phí đầu tư dự án là khoảng hơn 67 tỷ USD.
Vận tải đường sắt đang tụt hậu
Từng giữ vai trò rất quan trọng và chiếm đến 30% tổng thị phần ngành giao thông, nhưng so với các nước trong khu vực, đường sắt Việt Nam ngày càng tụt hậu và "chiếc áo" cũ, chật chội, không còn phù hợp đang gây thách thức cho sự phát triển của ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung
Nếu năm 1990, ngành đường sắt phục vụ chiếm gần 3% tổng lượng khách vận tải và luân chuyển khách chiếm 12%, thì từ năm 2020 đến nay, vận chuyển hành khách đường sắt chỉ chiếm 0,1% về vận chuyển và gần 1% về luân chuyển. Có lẽ đã đến lúc ngành đường sắt cần thay 1 chiếc áo mới để đảm nhận vai trò vận tải hành khách trên các cự ly mà loại hình này có ưu thế thay vì phải phân bổ sang vận tải hàng không và đường bộ.
Năm 2022, vận chuyển đường sắt đạt 5,7 triệu tấn, gấp 2,5 lần năm 1990. Cùng thời gian đó, sản lượng vận tải bằng đường bộ đã gấp khoảng 50 lần. Còn đường biển là gấp 26 lần về vận chuyển.
Suốt thời gian dài, đường sắt luôn lép vế, không cạnh tranh được với đường bộ, đường hàng không. Vận tải đường sắt đang dần mất đi thế chủ lực trong vận tải phục vụ phát triển kinh tế của đất nước. Đã tới lúc cần sự đột phá, đổi mới với tầm nhìn chiến lược phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc -Nam
Đầu tư cho đường sắt tốc độ cao được xem là đầu tư cho tương lai. Bởi sẽ không chỉ là bài toán của 1 đoàn tàu 1 tuyến đường sắt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, mà nó còn tác động đến nhiều vùng kinh tế trọng điểm khi đường sắt tốc độ cao đi qua. Quan trọng hơn cả đó là một cấu thành trong tổng thể hệ sinh thái giao thông vận tải hiện đại và có tính bền vững cao.
Hiệu quả đường sắt tốc độ cao tại các quốc gia
Trong khi mạng lưới đường sắt của Việt Nam ì ạch, lạc hậu với tuổi đời cả trăm năm, thì tốc độ phát triển đường sắt tốc độ cao của các nước trên thế giới đang như vũ bão. Sau 60 năm phát triển, đến nay, đường sắt tốc độ cao đã phát triển tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiệu quả kinh tế - xã hội chính là lực đẩy của sự phát triển này.
Nhật khởi đầu xu hướng xây đường sắt tốc độ cao với tàu Shinkansen vào năm 1964. Với tỷ lệ đúng giờ 99,9%, an toàn và thân thiện môi trường, đường sắt tốc độ cao đã đóng góp to lớn vào sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản thông qua phân bố lại các đô thị, dân cư, giao thông thuận tiện, đem lại việc làm và phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Còn Trung Quốc chỉ trong 15 năm đã xây dựng khoảng 43.700 km đường sắt tốc độ cao, chiếm hơn 2/3 tổng chiều dài đường sắt tốc độ cao thế giới. Sau khi đưa tuyến đường sắt Bắc Kinh - Thượng Hải tốc độ 380km/h vào hoạt động, đã có khoảng 1,7 tỷ lượt khách đi lại trên tuyến này, tạo ra hơn 850.000 cơ hội việc làm, giá trị đất đai khu vực các dự án tăng lên 13%. Khách du lịch tăng hơn 2,5 lần. Sau 10 năm đưa vào khai thác, GRDP đã tăng gấp đôi.
Năm ngoái, tổng cộng 250 dự án đã khởi công trên thế giới với tổng vốn đầu tư gần 250 tỉ USD. Châu Á tiếp tục vượt trội với 42% số dự án, trong đó có 40 dự án ở Ấn Độ và 28 dự án ở Trung Quốc.
Tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam là phù hợp xu thế chung của thế giới, và hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và triển khai các quy hoạch; tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()