Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 19:53 (GMT +7)
'Đường băng thông' cho lễ hội âm nhạc và ngôi sao quốc tế đến Việt Nam
Thứ 3, 03/10/2023 | 14:13:32 [GMT +7] A A
Để tổ chức lễ hội âm nhạc đòi hỏi những người tổ chức phải có tham vọng, khát vọng lẫn tư duy lớn. Tuy nhiên điều đó chỉ thành hiện thực khi có một "đường băng thông" từ các cấp quản lý.
Nối sau HAY Fest diễn ra vào cuối tháng 9, Monsoon music festival (Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa) sẽ được tổ chức vào tháng 10 tại Hà Nội; Hò Dô vào tháng 12 tại TP.HCM. Chưa kể nhiều đại nhạc hội, sự kiện âm nhạc khác "đổ bộ" dịp cuối năm.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, "nước ta có nhiều loại liên hoan ca múa nhạc nhưng lễ hội âm nhạc thì chưa thể gọi là nhiều". Hiện tổ chức lễ hội âm nhạc ở Việt Nam là điều không dễ.
Việt Nam có tiềm năng để phát triển
Nhạc sĩ Huy Tuấn - tổng đạo diễn Hò Dô chia sẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển lễ hội âm nhạc.
"Dân số nước ta trẻ, yêu âm nhạc nhưng lại hiếm những lễ hội âm nhạc lớn mang đẳng cấp quốc tế. Mặt khác, những nước láng giềng trong khu vực đã có những bước đi bài bản trong việc tổ chức các lễ hội âm nhạc từ rất lâu nên khi có một thị trường mới dần hình thành, bản thân nghệ sĩ quốc tế cũng muốn khám phá thị trường đó" - Huy Tuấn gợi mở.
Còn theo anh Hoàng Linh - tổng đạo diễn HAY Fest - nước ta đang là một điểm đến sáng của khu vực châu Á.
"Một trong những yếu tố giúp thị trường Việt Nam "ghi điểm" là phương diện tương tác mạng xã hội" - anh nói.
Anh dẫn ra một số trường hợp các nghệ sĩ quốc tế sang Việt Nam diễn thời gian qua như 911, The Moffatts, BlackPink, Charlie Puth hay mới đây là thông báo nhóm Westlife, Epik High, Ronan Keating...
Tất cả những bài đăng về Việt Nam ở trên trang mạng xã hội của họ đều nhận về lượng tương tác cực khủng từ người hâm mộ Việt Nam. Thậm chí "ăn đứt" các bài đăng ở những thị trường lớn hơn như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Anh Linh nhìn nhận: "Những số liệu đó cho thấy Việt Nam có tiềm năng, khán giả Việt Nam có kỳ vọng, có khao khát thưởng thức âm nhạc và ủng hộ nghệ sĩ nhiệt thành".
Câu hỏi của nhạc sĩ Quốc Trung
15 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung sang Đan Mạch tìm hiểu về lễ hội âm nhạc. Sáu năm sau, Monsoon ra đời. Từ đó đến nay Monsoon đã trở thành thương hiệu văn hóa đặc biệt của thủ đô, truyền cảm hứng cho sự ra đời của những lễ hội âm nhạc khác.
"Điều chúng tôi phải nhắc đi nhắc lại, đây là nghệ thuật cộng đồng, một dự án phi lợi nhuận và chúng tôi đã phải bù lỗ nhiều năm qua. Nhưng mọi thứ vẫn như xưa". Tức là hằng năm, ban tổ chức vẫn phải "đi chứng minh, trình bày về những điều đã, đang và sẽ làm, vẫn từng đó thủ tục và cả sự dè dặt".
Tính chuyên nghiệp thể hiện đầu tiên trong một kế hoạch dài hạn, có thời hạn và tính chính xác trong tất cả các khâu. "Thật khó để có thể gọi là chuyên nghiệp được khi những nhà tổ chức như chúng tôi vẫn luôn quay cuồng trong các thủ tục xin và cấp phép", anh nói.
Nhiều lúc, "cha đẻ" Monsoon tự hỏi: "Liệu một lễ hội âm nhạc có phù hợp với xã hội Việt Nam? Ta có thật sự quan tâm đến văn hóa không? Thật sự cần những sản phẩm văn hóa mang tính biểu tượng không? Chúng tôi phải kiên trì, kiên nhẫn đến bao giờ?".
Theo anh, một chiến lược bền vững cần sự nhất quán; một kế hoạch chuyên nghiệp cần phải chuẩn bị hàng năm trời. Những điều này đang bất khả thi ở Việt Nam.
Sự ủng hộ là điều kiện tối thiểu
Đã có một lớp khán giả trẻ hình thành thói quen thưởng thức âm nhạc tại các lễ hội. Tuy nhiên để nhu cầu đó thành nhu cầu thiết thực, được ưu tiên trong đời sống thì cần phải có thời gian.
Điều đáng nói chúng ta chưa biến những trải nghiệm với âm nhạc của khán giả trở thành những giây phút thăng hoa, có thể "gây nghiện" họ. Vẫn còn quá nhiều những điều tô vẽ và dụ dỗ theo trào lưu thay vì chất lượng nghệ thuật đích thực.Nhạc sĩ Quốc Trung
Nhạc sĩ Huy Tuấn nói thêm chỉ khi nào khán giả đến lễ hội không hẳn vì tên tuổi nghệ sĩ mà bởi chính tinh thần của lễ hội đó, đến vì Hò Dô, vì Monsoon, vì HAY Fest thì đó mới thực là trải nghiệm độc đáo mà các lễ hội âm nhạc mang lại.
Anh Hoàng Linh cho hay "dẫu tương tác mạng xã hội tốt thì vẫn cần sự quy đổi sang "offline" (trực tiếp)". Có nghĩa thị trường chúng ta phải chứng minh được khán giả của ta có sức chi, có khả năng dùng tiền và thời gian để trải nghiệm những thứ âm nhạc mang tầm quốc tế.
Những người tổ chức cũng phải tổ chức sản xuất làm sao xứng đáng với danh tiếng của nghệ sĩ đó. Đây là bài toán lớn mà không phải một vài hay cả chục nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam có thể giải được, càng không phải chuyện riêng của các nhà tổ chức.
Theo anh Linh, tiềm lực sản xuất vẫn là một rào cản khá lớn, ta vẫn cần một thời gian dài để tiệm cận được thế giới.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng lễ hội âm nhạc gắn liền với công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa. Một lễ hội âm nhạc muốn tồn tại và phát triển, phải trở thành biểu tượng của địa phương, phải được người dân quan tâm và tự hào và thấy mình trong đó.
Hiệu quả về quảng bá và kinh tế của một lễ hội mang lại uy tín cho thành phố luôn rất lớn. Ở nhiều nơi trên thế giới, sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền luôn là điều kiện tối thiểu cần thiết để xây dựng và phát triển.
Chỉ khi chúng ta ý thức được về lợi ích của nó thì mới có thể xây dựng và phát triển", Quốc Trung đặt vấn đề.
Nhạc sĩ Huy Tuấn kể, UBND TP.HCM đã có những quyết sách mang tính định hướng cao để Hò Dô trở thành một thương hiệu văn hóa của thành phố đông dân nhất nước.
"Nếu không có quyết tâm của những người làm chính sách, tôi nghĩ các lễ hội sẽ khó trở thành những điểm nhấn văn hóa, trở thành điểm hút du lịch", anh nói.
Vài năm nay, có không ít lễ hội âm nhạc trên thế giới thu hẹp dần quy mô, thậm chí dừng hẳn do khủng hoảng dịch bệnh, chính trị, kinh tế, dẫn đến chi phí đội lên.
Theo nhạc sĩ Huy Tuấn, cần có những cái bắt tay một cách bài bản và có chiều sâu của các sở, ban, ngành thì những thương hiệu văn hóa như lễ hội âm nhạc mới có thể tồn tại lâu dài.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()