Tất cả chuyên mục

Cựu chiến binh Lê Long Triệu là bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 4 - T40 anh hùng từng nổi danh ở chiến trường Nam Bộ. Ông cùng đồng đội từng vào sinh ra tử giữa những vòng vây đạn, pháo, xe tăng của Mỹ - Ngụy. Trở về sau chiến tranh với tỷ lệ thương tật 81%, nhưng với nghị lực phi thường, ông đã đi nhiều nơi nói chuyện, truyền cảm hứng, nghị lực sống cho đồng đội; mở xưởng chế biến gỗ tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật.
CCB Lê Long Triệu. |
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2020), phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với CCB Lê Long Triệu về những kỷ niệm thời trận mạc của ông.
Dù thời gian đã lùi xa và vết thương hành hạ, trí nhớ sa sút nhưng chưa bao giờ ông Triệu nguôi quên hình ảnh những người đồng đội. Khi có người gợi nhắc, những kỷ niệm thời trận mạc lại ùa về trong tâm trí ông.
Ông kể: Năm 1969, cũng như bao người thanh niên thời đó, mới học hết lớp 9, tôi tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ. Vì có sức khỏe tốt nên tôi được đào tạo làm lính đơn vị D628 đặc công, thuộc Quân khu 3. Tháng 12/1970, tôi vào chiến trường và bổ sung cho Tiểu đoàn 4-T40, Đoàn 429, Bộ đội Đặc công Miền Đông - Miền Tây Nam Bộ.
- Cho đến giờ, ông hẳn vẫn còn nhớ những trận chiến đấu ác liệt nhất với kẻ thù?
+ Đơn vị chúng tôi đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở Tây Ninh, Phước Long, Hà Tiên và cả Campuchia nữa, như: Đánh nhà máy đạn ở cảng Xi-ha-núc-vin thuộc Chiến đoàn Lon-non, đánh Chiến đoàn 4 của Việt Nam Cộng hòa ở Campuchia, đánh Lữ đoàn thủy quân lục chiến của Việt Nam Cộng hòa, bí mật tập kích hai tiểu đoàn tăng thiết giáp và hai trung đoàn bộ binh của địch tại Công-pông-trách tỉnh Cam-pốt, Campuchia.
Trận đánh mà tôi còn nhớ mãi là vào năm 1972, chúng tôi đánh vào Liên đoàn biệt động 93 Sài Gòn ở Hà Tiên thuộc Vùng 4 chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Mục đích của việc đánh Hà Tiên là tiêu diệt sinh lực địch, thu hút lực lượng của chúng từ Cần Thơ tới chi viện, giải phóng vùng có cảng biển để lưu thông con đường tiếp viện từ miền Bắc vào. Từ đó, ta đánh chiếm giải phóng nhiều vùng đất ở Tây Nam bộ, chuẩn bị lực lượng giải phóng miền Nam.
![]() |
Ông Lê Long Triệu trong một lần trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
|
Trong trận này, chúng tôi có 22 người đánh căn cứ địch vào ban đêm. Sau đó bị địch phát hiện khép chặt vòng vây, đồng đội hy sinh gần hết, chỉ còn lại tôi với đồng chí tiểu đoàn trưởng cùng với 3 viên đạn sót lại. Chúng tôi cầm cự đến chiều tối thì có lực lượng bộ binh của ta ở vòng ngoài đánh vào chi viện. Chúng tôi bắn ra thị uy, chúng tưởng còn nhiều đạn không dám tấn công vào, từ đó tôi và đồng chí tiểu đoàn trưởng tận dụng thời cơ rút lui an toàn.
Trận này tôi bị thương nhiều chỗ nhưng sau khi lành vết thương vẫn tiếp tục xin ở lại chiến đấu tiêu diệt đồn Phú Mỹ, ấp Chà Bồ, khu vực Bảy Núi, tỉnh An Giang. Chúng tôi đánh nhiều trận chặn đứng nhiều cuộc hành quân của địch, giành và bảo vệ vững chắc vùng giải phóng chuẩn bị cho việc đàm phán ký hiệp định giải phóng.
Vào khoảng đầu năm 1973, chúng tôi tấn công trận địa pháo của Việt Nam Cộng hòa tại Hà Tiên. Trận này, tôi bị thương nặng ở cả hai chân và xương chậu, được đồng đội chuyển về tuyến sau. Từ chiến trường, tôi được đưa qua Tây Ninh rồi ra Bắc điều trị. Chiến trường khốc liệt đã cướp đi sinh mạng của nhiều đồng đội của chúng tôi. Toàn tiểu đoàn năm đó của chúng tôi có 330 người, nhưng qua hàng chục trận đánh lớn, số còn lại chỉ khoảng 50 người.
Khi đối diện trước những làn đạn bắn xả trực tiếp của đế quốc Mỹ, ranh giới giữa mạng sống và cái chết chỉ trong chớp mắt, chúng tôi mới thấu hiểu hết thế nào là tình đồng chí đồng đội, mới hiểu hết được tình quân dân cá nước và sự bao bọc của nhân dân đối với chiến sĩ giải phóng quân. Nhân dân che giấu cho chúng tôi. Có khi đặc công chúng tôi bị thương nặng được dân quấn lại rồi khiêng về đơn vị chúng tôi để cứu chữa.
Riêng tôi bị thương mất máu nhiều, ở chiến trường thiếu thốn thuốc men nên đã được tiếp nước dừa non của nhà dân vào tĩnh mạch của mình. Vì thế, tôi mới có sức để sống sót được qua đợt đó. Chuyện chúng tôi kể lại, thế hệ bây giờ chắc cũng không hình dung hết được...
- Nghĩa là ông không thể cùng đồng đội có mặt ở thời điểm lịch sử tiến về giải phóng Sài Gòn 2 năm sau đó?
+ Vì vết thương quá nặng, tôi phải điều trị thời gian dài. Ngày 30/4/1975, tôi đang điều trị, chợt nghe đài báo tin đất nước thống nhất. Chúng tôi reo vui sung sướng lắm như thể mình cũng có mặt ở thời khắc lịch sử này. Nhưng cũng có nhiều người đã khóc vì nghĩ đến đồng đội. Những kỷ niệm, những gương mặt những câu chuyện về đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường không bao giờ tôi có thể quên được.
![]() |
Ông Triệu và nhà văn Chu Lai. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
- Sau khi miền Nam được giải phóng, là thương binh nặng như vậy chắc ông được phục viên?
+ Không đâu, tôi vẫn tham gia quân ngũ. Tổng cộng có 19 năm quân ngũ cơ đấy. Tôi về Tỉnh đội Quảng Ninh rồi sau đó là Đặc khu Quảng Ninh. Tôi đi nhiều nơi để nói chuyện, động viên tinh thần bộ đội, thương binh, bệnh binh. Tôi động viên họ bằng chính câu chuyện của đời mình, của đồng đội mình những năm đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
- Nghe nói ông còn làm kinh tế nữa?
+ Đúng thế nhưng không phải làm cho mình. Tôi là thương binh nặng, ngoài suất lương thương binh của tôi thì vợ tôi có thêm một suất lương dành cho người nuôi dưỡng tôi nữa. Cuộc sống thế là ổn. Tuy nhiên, mình là thương binh nặng nhưng vẫn còn sức khỏe. Thương binh tàn nhưng không phế, mình phải làm việc gì đó hữu ích.
Nghĩ vậy nên vào năm 2003, tôi thành lập cơ sở sản xuất đồ gỗ ở quê hương Đông Triều chuyên phục vụ các công trình dân dụng, trường học với 25 lao động là thương binh, người khuyết tật. Từ môi trường này, nhiều em, nhiều cháu đã trưởng thành, thành những người thợ giỏi, những ông chủ tự đứng ra sản xuất kinh doanh riêng. Vì thế mà bây giờ tôi đã dừng hoạt động của nhà máy này. Giờ cũng là lúc nghỉ ngơi rồi. Vì thế, tôi mua nhà vào mãi phường Hà Tu để sống cho yên tĩnh.
![]() |
Ông Triệu ôn lại những kỷ niệm khi còn ở bên đồng đội trong chiến trường xưa. |
- Điều gì khiến ông dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn tích cực tham gia các chuyến đi về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội?
+ Mình còn được trở về để hưởng những ngày thống nhất, còn rất nhiều đồng đội tôi đã hy sinh không thể biết đến ngày giải phóng miền Nam. Đất nước thống nhất, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, người thì phục viên về với đời thường, có người ở lại quân ngũ, có người lại chuyển ngành.
Nhưng tất cả những người còn sống chúng tôi đều chung một ước nguyện, đó là trở về chiến trường năm xưa, dành tất cả thời gian, tâm huyết để kiếm tìm và đưa hài cốt những người đồng đội xưa về với quê hương.
Tôi và đồng đội đã thành lập Ban liên lạc Đoàn T40 đặc công và anh em đã tín nhiệm bầu tôi là trưởng ban liên lạc. Tôi đã nhiều lần cùng với đồng đội lặn lội vào chiến trường xưa ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang và sang cả chiến trường Campuchia để tìm hài cốt đồng đội.
Chúng tôi đã 9 lần vào chiến trường tìm 10 bộ hài cốt đồng đội. Có những cuộc tìm kiếm mất cả tháng trời trong rừng sâu, nhất là cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tại chiến trường Tây Ninh, nơi chôn cất người đồng đội bị bom Mỹ cày phá, hài cốt không còn nguyên vẹn, không xác định được danh tính, phải xét nghiệm ADN. Có những chuyến đi kéo dài hàng tuần, hàng tháng, băng rừng vượt núi với mong mỏi đưa các đồng đội về với quê hương.
Nhiều chuyến đi tìm hài cốt đồng đội không thành công nhưng đem lại nhiều hy vọng bằng linh cảm của người chiến sĩ cầm súng năm xưa đồng đội vẫn ở quanh mình. Những năm sau đó, tôi đi khắp các vùng miền Đông Nam Bộ, từ Hà Tiên tới An Giang… kết nối với các cựu chiến binh từng chung chiến hào năm xưa cùng nhau thực hiện nghĩa cử cao đẹp đi tìm đồng đội đã hy sinh.
![]() |
Một số phần thưởng của CCB Lê Long Triệu. |
Riêng tôi đã vào chiến trường xưa tìm đồng đội 4 lần, trong đó 2 lần phải có vợ đi cùng để chăm sóc sức khỏe cho tôi. Tôi toàn bỏ tiền túi, số tiền tiết kiệm qua những khoản trợ cấp của Nhà nước cho chế độ người thương binh, vay anh em họ hàng, tiền con cái cho cũng chẳng dám tiêu pha gì, dành dụm để cho các chuyến đi tìm đồng đội tiếp theo.
Khi nào còn sức khỏe thì tôi sẽ còn tiếp tục thực hiện tâm nguyện tìm kiếm, đưa đồng đội về với quê hương, người thân. Còn sức khỏe là còn tiếp tục rong ruổi khắp các con đường, mọi nghĩa trang liệt sĩ, từng quả đồi, sườn núi để tìm và đưa đồng đội về với quê nhà.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Phạm Học (Thực hiện)
Ý kiến ()