Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 22:37 (GMT +7)
Dùng Tiktok phải định danh, livestream khoe thân và lừa đảo vẫn hoành hành
Thứ 2, 06/01/2025 | 22:18:16 [GMT +7] A A
Quy định người sử dụng mạng xã hội phải định danh mới được livestream có hiệu lực, tình trạng lợi dụng núp bóng bán dâm để lừa đảo trên Tiktok vẫn hoành hành.
Vờ bán dâm để lừa cài app "độc"
Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 25/12/2024, quy định về bắt buộc các mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân và chỉ các tài khoản đã xác thực mới được cung cấp thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Theo một nhà sáng tạo nội dung trên nên tảng Tiktok chia sẻ, sang đầu năm 2025 những quy định về định danh đã được nền tảng này yêu cầu ngay từ khi lập tài khoản. Những tài khoản nào đủ điều kiện để livestream đều phải chịu những quy tắc khắt khe, nếu có từ ngữ khiêu dâm hay ăn mặc hở hang sẽ bị dừng livestream và khóa tài khoản.
Những tưởng quy định mới, cùng hàng loạt quy tắc do mạng xã hội Tiktok đưa ra là đã đủ để giúp mạng xã hội này trở nên văn minh, an toàn, nhưng trên thực tế mạng xã hội Tiktok vẫn liên tục đề xuất những buổi livestream núp bóng việc mua bán dâm, mời gọi người dùng tải ứng dụng có nguy cơ lừa đảo. Đáng chú ý những buổi phát trực tiếp luôn có từ vài trăm tới hàng nghìn lượt xem và được nền tảng này đề xuất.
Tình trạng này không phải mới, khi vào đầu năm 2024 Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Tiktok khẩn trương rà soát và báo cáo về vấn đề này. Vấn nạn chỉ giảm đi trong một thời gian ngắn rồi lại nở rộ trở lại. Những buổi phát trực tiếp độc hại này tiếp tục được đề xuất, khiến cho không ít những người dùng mạng xã hội này cảm thấy bị làm phiền, luôn mang tâm lý lo sợ bị lừa đảo.
Anh N.T.Đ. (28 tuổi, trú tại Đống Đa, TP Hà Nội) cũng là một người như vậy, anh thường có thói quen lướt mạng xã hội Tiktok vào lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên nhiều tháng qua, anh liên tục gặp những buổi livestream của các cô gái trẻ, diện lên mình những trang phục "thiếu vải", cùng với đó là những lời chào mời truy cập trang web để được "sung sướng".
Chia sẻ với phóng viên, anh Đ. cho biết, "bản thân tôi không chủ động tìm kiếm những nội dung này, mà được chính Tiktok đề xuất, với những buổi livestream thu hút hàng nghìn mắt xem. Trong một lần vừa ăn cơm xong, khi đang ngồi cùng người nhà, tôi ngượng 'chín mặt' vì ứng dụng phát ra những video 'mời gọi' từ các cô gái trẻ".
Cũng là một người sử dụng khá nhiều mạng xã hội và thường xuyên vào Tiktok mua hàng, xem nội dung giải trí, anh L.M.K. (30 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) vô cùng bức xúc khi bị đề xuất liên tục những video lừa đảo mời gọi mua bán dâm.
Anh K. cũng đã từng truy cập vào trang web mà các cô gái trong các buổi livestream liên tục mời chào, "khi tôi vào, sẽ có yêu cầu tải ứng dụng lạ, cài vào trong máy để có thể trở thành thành viên và gặp gỡ, đặt lịch với các cô gái trẻ. Tôi rất sợ bị chiếm quyền sử dụng thiết bị nên đã không cài theo hướng dẫn", anh K. kể lại.
Chuyên gia cảnh báo lừa đảo
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Công Cường - Giám đốc Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên không gian mạng, Viettel Cyber Security đưa ra cảnh báo với nhưng chiêu trò trên: "Không tải những ứng dụng lạ, đặc biệt từ những nguồn không được các đơn vị uy tín kiểm chứng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ chứa mã độc".
Để lừa đảo có 2 hình thức chính, đầu tiên các đối tượng sẽ hướng người dùng vào trang web và đăng nhập thông tin cá nhân vào đó.
Chuyên gia lấy ví dụ, các đối tượng lừa đảo có thể gửi thông báo cho người dùng rằng hộp thư đến của mail đang bị đầy, người dùng cần đăng nhập và kích hoạt cấu hình.
Khi người dùng chủ quan, truy cập vào đường link có giao điện giống hệt giao diện đăng nhập, chỉ cần đăng nhập vào là ngay lập tức đối tượng lừa đảo đã có thông tin.
Hình thức thứ 2 sẽ phải cài phần mềm vào thiết bị (máy tính, điện thoại), các đối tượng sẽ tìm mọi cách thuyết phục người dùng cài app. Cũng chính bởi vì trong app này có mã độc nên sẽ không thể đẩy lên các chợ ứng dụng như Google Play hay App store.
"Lúc này các đối tượng sẽ hướng dẫn để người dùng cho phép điện thoại cài app từ nguồn không tin cậy. Sau khi đã cài thành công, các đối tượng sẽ lấy được thông tin trên thiết bị, chiếm quyền kiểm soát", Giám đốc Trung tâm Giám sát và Phản ứng trên không gian mạng, Viettel Cyber Security khẳng định.
Trước thực tế tội phạm mạng liên tục thay đổi chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, chuyên gia an ninh mạng cũng khuyên người dùng phải tự trang bị kiến thức, liên tục cập nhật thông tin và có sự cảnh giác trước các nguy cơ lừa đảo.
Trước đó vào cuối tháng 11/2024, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thẳng thắn chỉ ra việc một số trang mạng xã hội đẩy nội dung xấu độc tiếp cận với người dùng.
Trong thời gian dài một số mạng xã hội lập lờ về thuật toán phân phối nội dung. Nhiều nội dung xấu được lan truyền, tạo xu hướng có thể do được "bơm đẩy", trong khi nội dung tích cực thì không được ưu tiên.
"Những mạng xã hội cố tình lan truyền nội dung độc hại sẽ bị xử lý nghiêm khắc, bị tẩy chay", Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Yêu cầu bổ sung các quy định về chặn gỡ nội dung, dịch vụ vi phạm trong vòng 24 giờ, chặn gỡ kịp thời với nội dung, dịch vụ vi phạm an ninh quốc gia; khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn tài khoản, trang, nhóm, kênh mạng xã hội thường xuyên vi phạm.
Xác thực và định danh tài khoản của người dùng bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân, bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Đồng thời cung cấp thông tin người sử dụng vi phạm cho cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu; yêu cầu chủ trang, kênh, nhóm mạng xã hội chịu trách nhiệm quản lý nội dung đăng tải và bình luận trong trang nhóm.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()