4
18
/
1100633
Dừng thí điểm mô hình tổ chức mới ở địa phương - Bài 1: Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt
longform
Dừng thí điểm mô hình tổ chức mới ở địa phương - Bài 1: Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt

Cover

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quá trình thực hiện của tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu, vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm, vừa phát huy sự chủ động, sáng tạo của một số cấp uỷ địa phương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu, thực tiễn mới, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương làm sớm, làm quyết liệt, làm nghiêm túc Thông báo số 16-TB/TW ngày 7/7/2022 của Bộ Chính trị về dừng thực hiện một số mô hình thí điểm về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh ở cấp tỉnh, huyện.

Bài 1: Dám thử nghiệm, không ngại làm điều khác biệt   

Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển, Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm của tỉnh. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh đã mạnh dạn đi đầu trong đổi mới, tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để cải cách tổ chức bộ máy, trong đó có việc hợp nhất những cơ quan có sự tương đồng về mục đích, đối tượng, chức năng, nhiệm vụ. Việc triển khai thực hiện chủ trương này đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức và có tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ cải cách về tổ chức bộ máy của tỉnh. Từ thực tiễn sinh động của Quảng Ninh đã góp phần đóng góp cho Đảng trong nghiên cứu đổi mới cả về lý luận, ban hành các nghị quyết để nâng tầm năng lực lãnh đạo trong bối cảnh đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tiên phong trong thực hiện các mô hình mới 

Quảng Ninh được Trung ương đánh gía là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước tiên phong trong triển khai thực hiện thí điểm sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Trong đó đã mạnh dạn đổi mới, tìm tòi, thực hiện những giải pháp sáng tạo, đột phá để cải cách tổ chức bộ máy, đặc biệt là việc hợp nhất những cơ quan có sự tương đồng về mục đích, đối tượng, chức năng, nhiệm vụ. Quá trình triển khai dù phải đối mặt với nhiêu khó khăn nhưng tỉnh vẫn mạnh dạn nghiên cứu và tổ chức thực hiện dựa trên nền tảng tư tưởng “Lấy dân là gốc”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã quy tụ được sức mạnh và sự đồng thuận lớn lao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; sự ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp để Quảng Ninh tổ chức thực hiện nhiều giải pháp theo thẩm quyền, hợp với ý Đảng, lòng dân.  

Ảnh với chú thích

Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, làm Trưởng đoàn, làm việc với Thành ủy Hạ Long.

Theo đó, ngay từ năm 2014, trên cơ sở nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát tổng thể tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị toàn tỉnh, xác định quyết tâm đổi mới, khắc phục yếu kém, bất cập, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án 25 và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3/3/2015 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” để triển khai thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh, trong đó có xác định các mô hình mới về tổ chức bộ máy và cán bộ; đồng thời đề xuất Trung ương quan tâm nghiên cứu chỉ đạo các vấn đề từ thực tiễn Quảng Ninh đặt ra. 

Sau khi Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt sâu rộng các nghị quyết tới tận cấp xã với 131 điểm cầu và sự tham dự của 21.825 cán bộ, đảng viên (đây là hội nghị đầu tiên tỉnh thực hiện triển khai tới tận cấp xã). Sau khi quán triệt sâu rộng trong toàn thể hệ thống chính trị, ngày 5/2/2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Ảnh trong văn bản Ảnh trong văn bản

Chi bộ Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra - Thanh tra TP Uông Bí tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2022 – 2025.

Ngay sau khi ban hành chương trình hành động, cũng trong tháng 2/2018, Quảng Ninh đã bắt tay triển khai mô hình hợp nhất Uỷ ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tổ chức với Phòng Nội vụ cấp huyện. Tiếp đó, tỉnh cũng mạnh dạn thí điểm thêm những mô hình mới như thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở 100% đơn vị cấp huyện; thành lập Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các trường có cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (Trường chính trị Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm giáo dục thường xuyên và đào tạo cán bộ tỉnh và Trường huấn luyện cán bộ đoàn, đội); chủ động đề xuất Đề án và được Ban Bí thư đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Cùng với đó, tỉnh đã đi sâu sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức, cơ quan chuyên môn theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Sau khi các đơn vị cấp huyện cơ bản ổn định đi vào hoạt động, tháng 12/2019, Quảng Ninh đã thống nhất chủ trương thí điểm hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh. Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Quảng Ninh thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy cấp tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ. Tiếp đó, đến tháng 5/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh quyết định hợp nhất Ban Tuyên giáo Huyện ủy với Ban Dân vận Huyện ủy Cô Tô thành Ban Tuyên vận Huyện ủy Cô Tô, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình này ở cấp huyện. Với việc hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và việc thành lập Ban Tuyên vận Huyện ủy Cô Tô, Quảng Ninh tiếp tục khẳng định sự tiên phong trong triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối, giảm số cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, tiếp tục khẳng định nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng, cũng như Nghị quyết 56 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy chính trị, hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chia sẻ về quá trình thực hiện những nội dung này ở Quảng Ninh, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Đọc, khẳng định:  Khi bắt tay thực hiện mô hình hợp nhất các cơ quan, điều quan tâm nhất của tỉnh và các địa phương chính là sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế sao cho tinh gọn và phát huy hiệu quả tốt nhất. Bởi vậy, việc định hướng tư tưởng cho cán bộ, công chức đã được tiến hành tốt, tạo sự đồng thuận cao nên việc sắp xếp diễn ra thuận lợi. Việc hợp nhất, sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị được đánh giá là yêu cầu cần thiết, đảm bảo cho bộ máy tổ chức được tinh gọn, thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền; khắc phục những chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Chính vì thế, việc hợp nhất, sắp xếp đã được CB,CC,VC trong các đơn vị đồng tình, ủng hộ, được dư luận đánh giá cao, là một giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế tất yếu khách quan nhằm giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới hệ thống chính trị với đổi mới kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra tại Quảng Ninh.

Ảnh với chú thích

Không tránh được những bất cập

Đến thời điểm hiện tại, việc hợp nhất, sáp nhập các đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện được khoảng 3 năm và quá trình hoạt động đã đạt được những thành công nhất định. Từ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện, sau khi tiến hành đánh giá cụ thể, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều vấn đề ở góc độ địa phương chưa thể khắc phục được mà đỏi hỏi cần sự đồng bộ từ Trung ương. Bởi đây đều là những mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có văn bản quy định hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền. Việc triển khai này chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên thực tiễn còn nhiều vướng mắc. Các địa phương chủ yếu vẫn thực hiện sáp nhập một cách cơ học, chưa đồng bộ, liên thông từ cấp Trung ương xuống cấp huyện dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các thể chế tổ chức, cán bộ, tài chính chưa cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung chưa có văn bản quy định (thể thức văn bản, con dấu, tài khoản, trụ sở… của cơ quan hợp nhất). 

Đơn cử như việc thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nước có chức năng tương đồng (mô hình cơ quan Uỷ ban kiểm tra - Thanh tra; Tổ chức - Nội vụ...) còn thiếu các quy định của pháp luật và của Đảng, cũng như hướng dẫn thực hiện để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ. Việc thực hiện nguyên tắc "rõ việc - rõ tổ chức - rõ người - rõ quyền hạn - rõ trách nhiệm - rõ lợi ích" trong mỗi tổ chức, đơn vị cũng như mỗi vị trí việc làm sau sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế chưa thực sự rõ nét. Đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp vẫn chưa xác định được cụ thể, minh bạch quyền hạn và trách nhiệm, phân định rõ mối quan hệ về quyền hạn, trách nhiệm giữa cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo…

Không chỉ vậy, việc hợp nhất 2-3 đầu mối tổ chức cũng tạo áp lực lớn đối với người đứng đầu, đòi hỏi cao về trách nhiệm, trình độ và năng lực của thủ trưởng cơ quan trong khi nhiều cán bộ do năng lực trình độ, tuổi tác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Các bộ phận tham mưu cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm chế độ thông tin báo cáo, xin chỉ đạo kịp thời. 

Ngoài các vướng mắc nêu trên, còn tồn tại một số hạn chế như việc điều tiết, phân công nhiệm vụ, phân bổ thời gian và nguồn lực chưa thực sự hợp lý. Với từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng nhiệm vụ cụ thể vẫn chưa có sự điều hành hài hoà, nguồn lực tập trung không đồng đều, đôi lúc vẫn chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác tham mưu. Và quan trọng hơn cả là việc hợp nhất không được thực hiện đồng bộ, liên thông từ cấp Trung ương xuống cấp huyện dẫn đến khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Các thể chế tổ chức, cán bộ, tài chính chưa cụ thể, rõ ràng, nhiều nội dung… Trong đó, một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần được giải quyết, tháo gỡ ở tầm vĩ mô, đòi hỏi phải có chủ trương từ Trung ương để các mô hình mới phát huy cao nhất hiệu quả trong thực tiễn.

Ảnh với chú thích
Tỉnh ủy Quảng Ninh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng, công tác nội vụ năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Không chỉ riêng Quảng Ninh mà nhiều địa phương trong cả nước đều gặp những bất cập, vướng mắc này trong quá trình thí điểm thực hiện các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm các chức danh. Và đây cũng đều là những vấn đề các địa phương không thể giải quyết. Muốn khắc phục, cần phải bổ sung nhiều quy định pháp luật có liên quan, Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ. Điển hình như để khắc phục những vướng mắc về hợp nhất các cơ quan tham mưu của cấp ủy và cơ quan tham mưu của chính quyền (Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra; Tổ chức - Nội vụ) thì cần bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, phải bổ sung đối tượng, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, thể thức văn bản, mẫu dấu và mối quan hệ công tác đối với mô hình tổ chức mới vào quy định sửa đổi, bổ sung Quy định số 220-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.

Minh Thu - Lan Anh - Bảo Bình


Bài 2: Đón đầu thực tiễn, cầu thị khắc phục bất cập

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu