Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:19 (GMT +7)
“Dừng đến trường, không dừng việc học”
Thứ 2, 07/03/2022 | 08:49:59 [GMT +7] A A
Hơn 2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, nhất là những ngày gần đây khi số ca nhiễm là học sinh, giáo viên liên tục tăng, ngành Giáo dục tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ, kiên trì đổi mới dạy và học, chủ động linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp... Qua đó, tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật. Tất cả đều có niềm tin chiến thắng dịch bệnh để học sinh sớm trở lại trường.
Học sinh miền núi vượt khó học trực tuyến
Cách đây 2 năm, khi mới triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trường Tiểu học Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) chỉ có khoảng 40% học sinh có thể đáp ứng. Đa số gia đình các em không có máy vi tính cá nhân, bố mẹ chưa dùng điện thoại thông minh. Ở nhiều nơi, mạng internet còn chưa thể phủ tới, vì trường nằm ở địa bàn xã cách trung tâm huyện tới 30 cây số. Địa hình xã trải rộng, chia cắt, đồi núi, 11 thôn, bản với 98% dân số là người dân tộc thiểu số.
Kể cho chúng tôi về những ngày đầu học trực tuyến đầy bỡ ngỡ ấy, thầy giáo Hoàng Văn Ngư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạp Thanh, chia sẻ: Ngoài điểm trường chính, Trường còn 3 điểm lẻ là Đồng Dằm, Khe Xa, Bắc Cáp, điểm lẻ xa nhất cách điểm chính 8 cây số. Để học trực tuyến, học sinh phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet. Với học sinh miền núi, nhiều gia đình còn phải lo ăn từng bữa, thì việc sắm các trang thiết bị phục vụ học trực tuyến là khá xa vời. Cán bộ, giáo viên trong trường đã cùng nhau bàn, tìm giải pháp. Các giáo viên đã vận động, tuyên truyền tới từng phụ huynh chủ động mua điện thoại thông minh để hỗ trợ con học trực tuyến. Nhà trường tính toán học buổi chiều, buổi tối, khi có cha, mẹ học sinh ở nhà. Đồng thời, khuyến khích các em nhà ở khu vực sóng yếu hoặc chưa phủ sóng, di chuyển sang nhà bạn ở thôn khác để học cùng.
Những khó khăn ấy, gian nan từng bước được tháo gỡ nhờ có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh. Với tinh thần hiếu học của học sinh, việc học trực tuyến khi có chỉ đạo đã dần đi vào nền nếp hơn, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến tăng dần qua từng năm.
Thầy giáo Hoàng Văn Ngư cho biết thêm: Sau Tết Nguyên đán 2022, Trường học trực tuyến từ ngày 21/2, đến ngày 3/3 tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt trên 95%. Với những học sinh vẫn chưa thể học trực tuyến, hằng tuần các thầy, cô giáo đều phát phiếu học tập tận nhà, dành thời gian kèm cặp, bổ trợ thêm những kiến thức mà các em chưa hiểu.
Hơn 2 năm đối mặt với đại dịch, nhìn chung, thầy và trò ở các xã, thôn, bản vùng cao, miền núi tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng đều nỗ lực vượt lên trở ngại. Trong khó khăn ấy, có rất nhiều tấm gương sáng, nghị lực vươn lên trong học tập. Nhiều em vừa phải giúp đỡ bố mẹ việc nương, vừa tranh thủ học online mà vẫn đạt thành tích cao, được thầy cô khen ngợi, bạn bè nể phục.
Ngọc Quỳnh Như, học sinh lớp 9, Trường TH-THCS Tân Dân (TP Hạ Long) nói: Em khá lo lắng vì chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Được sự quan tâm của thầy cô giáo, chúng em được truyền thụ kiến thức hằng ngày qua những bài giảng online. Các tiết học rất nghiêm túc. Dù vừa phải trông em, vừa phải phụ bố mẹ làm việc nhà, nhưng em sắp xếp thời gian để không nghỉ một buổi học nào. Em mong dịch sớm qua đi để chúng em lại được đến trường học trực tiếp, được gặp bạn bè, thầy cô.
Phép thử trong gian khó
Khó khăn là vậy, song chưa khi nào, cô và trò trong tỉnh lại mất đi niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Từ trong gian khó, nhiều phương án, giải pháp thiết thực đã được các trường triển khai. Thích ứng linh hoạt, ngành Giáo dục tỉnh liên tục có những chỉ đạo kịp thời, điều chỉnh phù hợp để sắp xếp, tổ chức các hình thức dạy và học nhằm đảm bảo an toàn nhất cho học sinh, giáo viên. Dạy học trực tuyến, hay học trực tiếp kết hợp trực tuyến đã được thiết lập linh hoạt, đảm bảo “Dừng đến trường, không dừng việc học”, thích ứng an toàn trong tình hình mới.
Ở từng thời điểm, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục, Y tế, UBND các địa phương có phương án, giải pháp cụ thể cho học sinh, sinh viên đi học, bảo đảm tuyệt đối an toàn, chu đáo; tăng cường tối đa, toàn diện chức năng y tế học đường, đảm bảo quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh một cách chủ động, chặt chẽ, có hệ thống; tổ chức dạy và học có trọng tâm, trọng điểm; thiết lập cơ chế phối hợp, kênh liên lạc 24/7 chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Đặc biệt, từ năm 2021, tỉnh tập trung triển khai nhiều chương trình, dự án để việc học trực tuyến phổ biến, thuận tiện hơn. Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai với chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu 100% các trường, điểm trường được kết nối internet băng thông rộng; phủ lõm băng thông rộng đối với 70 vị trí lõm sóng di động và 117 điểm chưa có internet băng rộng cố định khu vực vùng sâu, vùng xa.
Tỉnh kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng để hỗ trợ gần 2.800 máy vi tính cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo còn thiếu thiết bị học trực tuyến tại nhà.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, các nhà trường đang tích cực thành lập các nhóm Zalo quản lý F0, nhằm nắm bắt tình hình sức khỏe thể chất, tâm lý của các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên của đơn vị mắc Covid-19, tình hình học tập của học sinh trong thời gian cách ly điều trị. Theo Sở GD&ĐT, đến nay đã có 657 nhóm Zalo quản lý F0.
Chị Đoàn Hiền có con học Trường Mầm non Bạch Đằng (TP Hạ Long), chia sẻ: Ngay khi con tôi nhiễm Covid-19, tôi được nhà trường mời tham gia nhóm quản lý F0. Nhờ đó mà trong những ngày con bị ốm sốt, tôi yên tâm hơn nhiều. Các cô giáo thường xuyên hỏi han tình hình sức khỏe, chia sẻ cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích, như Sổ tay chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà của Bệnh viện Nhi Trung ương, Sổ tay phục hồi sau Covid-19 của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh…
Với chiến lược vắc-xin chủ động, thần tốc, đi trước, làm trước, tuyệt đối an toàn, Quảng Ninh đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao và sớm nhất trong nước. Tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 97%.
Đặc biệt, rất nhiều phụ huynh nhờ chủ động test nhanh, tầm soát định kỳ, thường xuyên cho con tại nhà mà đã kịp thời phát hiện con em mình bị lây nhiễm, từ đó chủ động điều trị, tránh lây lan.
Chị Hoàng Thị Thúy (phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả) nói: Gia đình tôi luôn xác định tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan, phó mặc cho nhà trường, mà phải chủ động quản lý sức khỏe của con em mình. Tôi mong dịch bệnh sớm qua đi, các con rồi sẽ lại được đến trường học trực tiếp. Tôi rất tin tưởng vào các biện pháp chống dịch của trường học và của tỉnh.
Ngành Giáo dục tỉnh đang tiếp tục thi đua thực hiện lời Bác Hồ dạy “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()