Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:01 (GMT +7)
Đức và Pháp đe dọa trả đũa thương mại Mỹ
Thứ 2, 31/10/2022 | 09:32:26 [GMT +7] A A
Berlin và Paris muốn đàm phán với Washington về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh - nhưng họ sẵn sàng đáp trả nếu cần thiết.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã thống nhất với nhau trên mặt trận thương mại liên quan đến những lo ngại về bảo hộ của Mỹ. Sau những bất đồng liên quan đến một số vấn đề quan trọng, ông Scholz và nhà lãnh đạo Pháp Macron đã tìm thấy một điểm chung: cảnh báo về sự cạnh tranh không lành mạnh từ Mỹ và phản ứng đáp trả tiềm tàng từ EU.
Trong cuộc đàm phán kéo dài gần 3 tiếng rưỡi hồi tuần trước, hai bên đồng ý rằng các kế hoạch trợ cấp nhà nước gần đây của Mỹ đại diện cho các biện pháp bóp méo thị trường nhằm thuyết phục các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ và đó là vấn đề mà cả Berlin và Paris muốn EU ứng phó.
Cuộc họp bàn về vấn đề trên diễn ra sau những bất đồng công khai trong những tuần gần đây về các vấn đề chính trị quan trọng như năng lượng và quốc phòng, phá vỡ những gì thường được coi là liên minh chính trị trung tâm của EU giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Âu.
Tại cuộc họp, cả hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đều đồng ý rằng EU không thể tiếp tục im lặng khi Washington thúc đẩy Đạo luật Giảm lạm phát, trong đó cắt giảm thuế và các lợi ích năng lượng cho các công ty đầu tư ở Mỹ. Luật mới của Mỹ cũng khuyến khích người tiêu dùng “Mua hàng Mỹ” liên quan đến lĩnh vực xe điện - một động thái gây ảnh hưởng đặc biệt đối với các ngành công nghiệp xe hơi lớn của Pháp và Đức.
Thông điệp từ Berlin và Paris là: Nếu Mỹ không điều chỉnh, thì EU sẽ phải đáp trả. Cụ thể, các chương trình khuyến khích tương tự đối với các công ty sẽ là cần thiết để tránh cạnh tranh không lành mạnh hoặc mất các khoản đầu tư. Động thái đó có nguy cơ đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào một cuộc chiến thương mại mới.
Ông Macron là người đầu tiên đưa ra cảnh báo rõ ràng trước công chúng. “Chúng ta cần Đạo luật Mua hàng của châu Âu giống như người Mỹ, chúng ta cần dành [trợ cấp] cho các nhà sản xuất châu Âu. [ông Scholz và tôi] có quan điểm chung thực sự về chủ đề này, chúng tôi đã có một thảo luận rất hiệu quả”, Tổng thống Pháp nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình France 2, đề cập cụ thể đến trợ cấp của nhà nước đối với ô tô điện.
Điều quan trọng, Berlin - vốn có truyền thống tỏ ra miễn cưỡng hơn khi đối đầu với Mỹ trong các tranh chấp thương mại - thực sự đang ủng hộ sự thúc đẩy của Pháp. Thủ tướng Scholz đồng ý rằng EU sẽ cần phải đưa ra các biện pháp đối phó kế hoạch của Mỹ nếu Washington từ chối giải quyết các mối quan tâm chính mà Berlin và Paris lên tiếng.
Đầu tháng này, ông Scholz đã nói công khai rằng EU sẽ phải thảo luận sâu sắc về Đạo luật Giảm lạm phát với Mỹ.
Trong một đòn giáng mạnh vào trung tâm công nghiệp của Đức, tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF hôm 26/10 đã công bố kế hoạch cắt giảm các hoạt động kinh doanh và việc làm của mình ở Đức, với Giám đốc công ty Martin Brudermüller trích dẫn giá khí đốt tăng cao - điều mà ông chỉ trích là cao gấp 6 lần ở Mỹ.
“Các quyết định của một công ty thành công như BASF cho thấy chúng tôi cần cải thiện sức hấp dẫn tổng thể môi trường kinh doanh của Đức”, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết, đồng thời cam kết thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như “giảm thuế cho các khoản đầu tư tư nhân”.
Tuy nhiên, trước khi đưa ra những biện pháp đáp trả lớn, ông Scholz và Macron muốn tìm cách đạt được một giải pháp thương lượng với Washington. Điều này nên được thực hiện thông qua "Nhóm làm việc đặc biệt EU - Mỹ về Đạo luật Giảm lạm phát" mới được thành lập trong cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và đại diện cấp cao Mỹ Mike Pyle.
Nhóm đặc biệt gồm các quan chức EU và Mỹ sẽ thảo luận tại cuộc họp trực tuyến vào cuối tuần tới liên quan đến vấn đề trên. Trong khi đó, các bộ trưởng thương mại của EU sẽ tổ chức cuộc họp không chính thức tại Praha vào ngày 31/10, với sự tham dự của đặc phái viên thương mại Mỹ Katherine Tai để thảo luận về những căng thẳng thương mại giữa hai bên.
Tại Brussels, Ủy ban châu Âu cũng đang quan tâm đến "Đạo luật mua hàng châu Âu" của ông Macron, gợi lên xu hướng bảo hộ mà thể chế EU từ lâu đã tìm cách chống lại.
Một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết: "Mọi biện pháp chúng tôi thực hiện cần phải phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới", đồng thời lưu ý thêm rằng EU và Mỹ nên giải quyết những khác biệt thông qua các cuộc đàm phán và "không dẫn đến các biện pháp chiến tranh thương mại ăn miếng trả miếng như đã trải qua dưới thời [cựu Tổng thống Mỹ Donald] Trump".
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()