Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:27 (GMT +7)
Đức tuyên bố không cần khí đốt Nga
Thứ 3, 30/04/2024 | 18:40:45 [GMT +7] A A
Đức tuyên bố không còn phụ thuộc vào LNG hoặc khí đốt Nga, kêu gọi các nước EU khác làm theo.
Chỉ vài ngày sau khi Thụy Điển kêu gọi trừng phạt nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG của Nga, các quan chức chính phủ Đức đã xác nhận sự ủng hộ của họ đối với lệnh cấm trên toàn EU. Các biện pháp này có thể nằm trong gói trừng phạt thứ 14 sắp tới, nhưng cũng có khả năng vấp phải sự phản đối từ các nước nhập khẩu LNG lớn của Nga như Tây Ban Nha, Bỉ và Pháp - trang High North News đưa tin.
Trong một dấu hiệu nữa về việc cánh cửa có thể đóng lại đối với LNG của Nga, Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Robert Habeck đã xác nhận sự ủng hộ của nước này đối với lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga trên toàn EU.
Trong bình luận gửi cho DW News, Phó Thủ tướng Habeck cho biết Berlin không còn phụ thuộc vào LNG hoặc khí đốt Nga và kêu gọi các nước EU khác làm theo.
“Đúng, tôi ủng hộ điều này” - ông Habeck giải thích khi đề cập đến đề xuất của Thụy Điển kêu gọi trừng phạt LNG Nga. Ông nói tiếp: “Đức không còn cần LNG từ Nga nữa, chúng tôi không còn hợp đồng cung cấp LNG với Nga nữa”.
Mặc dù Đức không còn nhập khẩu trực tiếp khí đốt của Nga qua đường ống hoặc dưới dạng LNG, nhưng nước này vẫn có thể nhận được một lượng gián tiếp qua nước láng giềng Bỉ và Hà Lan. Cả hai nước láng giềng vẫn nhập khẩu LNG của Nga và tái xuất một phần, bao gồm cả sang Đức.
Con số chính xác rất khó xác minh vì nguồn gốc của khí đốt gần như không thể truy tìm được một khi nó đi vào mạng lưới khí đốt châu Âu. Nghiên cứu gần đây cho thấy Đức có thể vẫn nhận được từ 4-6% nhu cầu khí đốt thông qua việc nhập khẩu LNG của Nga từ hai nước láng giềng.
Do đó, vẫn có nghi ngờ về kế hoạch của Đức chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga. Hiện Đức nhận được khoảng một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Na Uy.
Phó Thủ tướng Habeck nói: “Những gì Đức đã làm được liên quan đến khí đốt thì các quốc gia khác cũng có thể thực hiện được trong các lĩnh vực năng lượng khác. Nếu chúng tôi có thể thoát khỏi các kết nối đường ống và sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng khác, thì các nước khác cũng làm được”.
Bình luận của ông đề cập đến sự phụ thuộc liên tục của Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha vào LNG của Nga. Cả ba nước đều tăng nhập khẩu từ Nga trong hai năm qua, trả cho Nga khoảng 1 tỉ USD mỗi tháng.
Các quan chức Bỉ nhiều lần bày tỏ sự cần thiết phải có các quy định trên toàn EU nhằm phá vỡ các thỏa thuận trung chuyển LNG dài hạn mà công ty Fluxys của Bỉ đã ký với đối tác Nga Novatek. Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera đã kêu gọi các công ty năng lượng của nước này giảm nhập khẩu LNG của Nga.
Cả Bỉ và Tây Ban Nha đều tránh né thực hiện các hành động chi tiết. Trong khi đó, có rất ít bình luận về quan điểm của Pháp liên quan đến việc nhập khẩu LNG của Nga. Công ty năng lượng TotalEnergies của Pháp vẫn đầu tư vào dự án Yamal LNG của Nga và tiếp tục nhận LNG từ dự án này.
Không rõ liệu lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt của Nga, bao gồm cả LNG, có thể nhận được sự đồng thuận cần thiết của tất cả 27 quốc gia thành viên hay không. Áo đặc biệt tiếp tục phụ thuộc vào việc cung cấp khí đốt của Nga nhưng đã bày tỏ sẵn sàng loại bỏ dần nguồn cung cấp này.
Ủy ban châu Âu bắt đầu nghiên cứu gói trừng phạt Nga thứ 14 và dự thảo sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()