Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu. Theo đó, GDP danh nghĩa của Đức được dự báo vượt Nhật Bản năm nay.
Theo tính toán của IMF, GDP danh nghĩa của Đức sẽ đạt 4.430 tỷ USD năm nay. Trong khi đó, số liệu này của Nhật Bản chỉ là 4.230 tỷ USD. Việc này sẽ giúp Đức chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc về quy mô nền kinh tế.
IMF cũng dự báo GDP bình quân của Đức là 52.824 USD, còn của Nhật Bản là 33.950 USD.
Một phần nguyên nhân giúp GDP Đức được dự báo vượt lên là đồng yen yếu. Điều này khiến GDP Nhật Bản giảm sút khi quy đổi sang USD.
Yen hiện tiến sát mốc 160 yen đổi một euro. Lần cuối tỷ giá ở mức này là tháng 8/2008.
Đồng tiền này hôm qua cũng lần thứ hai trong năm nay vượt 150 yen đổi một đôla Mỹ. Năm ngoái, việc yen chạm mốc này khiến giới chức Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Yen yếu đi do chênh lệch lãi suất giữa nước này và phương Tây. Trong khi Mỹ và châu Âu nâng lãi suất mạnh tay để đối phó lạm phát, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm. Điều này khiến nhà đầu tư bán đồng tiền này để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
Dù vậy, IMF dự báo kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2% năm nay, nhờ du lịch nội địa tăng vọt và xuất khẩu ôtô phục hồi. Trước đó, ngành xe hơi chịu tác động từ các vấn đề về chuỗi cung ứng.
"Việc tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản giảm sút là đúng. Nhưng chúng tôi sẽ lấy lại sức tăng trong quá khứ, bằng các biện pháp sắp tới", Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm qua cho biết gói kích thích kinh tế mới của nước này sẽ bao gồm cả việc gia hạn trợ cấp năng lượng. Ông cũng khẳng định sẽ có các biện pháp đảm bảo tăng trưởng lương bền vững và giảm thuế.
Giới chức Nhật Bản đến nay vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của ổn định tiền tệ. Họ thường đưa ra các bình luận thận trọng khi được hỏi về khả năng can thiệp để tránh thị trường gặp cú sốc.
Dù trải qua thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài, Nhật Bản vẫn giữ được vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Trước đây, họ đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, nhưng đã nhường lại cho Trung Quốc từ năm 2010.
Trong các năm tới, thứ hạng của Nhật Bản có thể còn giảm thêm. IMF dự báo Nhật Bản trượt về vị trí thứ 5 trong giai đoạn 2026 - 2028. Khi đó, Ấn Độ có thể vượt lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ý kiến ()