Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:34 (GMT +7)
Đức "chọn mặt gửi vàng", chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu Merkel
Thứ 2, 18/01/2021 | 09:01:12 [GMT +7] A A
Các đồng minh của Đức hy vọng sự chuyển tiếp sang thời kỳ hậu Merkel sẽ diễn ra suôn sẻ khi một trong những đồng minh thân cận nhất của Thủ tướng Merkel lãnh đạo đảng CDU.
Đức bắt đầu bước vào một kỳ nguyên chính trị mới ngày 16/1, khi Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đứng đầu liên đảng cầm quyền ở Đức lựa chọn lãnh đạo mới, trước cuộc bầu cử dự kiễn diễn ra mùa thu năm nay, nhằm quyết định ai sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: Reuters). |
Laschet - Gương mặt đầy triển vọng
Ông Armin Laschet – đồng minh lâu năm của Thủ tướng Merkel và thủ hiến bang Bắc Rhine-Westphalia, đã đánh bại ông Friedrich Merz - cựu lãnh đạo nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ CDU/CSU trong Quốc hội, với số phiếu tương ứng là 521 và 466 phiếu, trong cuộc bầu chọn lãnh đạo đảng CDU diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Nếu CDU tiếp tục giành ưu thế trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 9/2020, ông Laschet nhiều khả năng sẽ thay thế bà Merkel và rất có thể sẽ tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, rất nhiều kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành, cùng những biến động trong nền chính trị của Đức và trên thế giới.
2021 là năm có nhiều sự kiện quan trọng đang chờ đợi nước Đức. Trong suốt 15 năm cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel đã trở thành nhân vật chủ chốt trong lực lượng chính trị dẫn đầu ở Đức, đại diện cho bộ mặt ổn định của đất nước. Bà Merkel cũng là một trong những chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất châu Âu, khi dẫn dắt châu lục này vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn.
New York Times cho rằng, việc tìm kiếm nhân vật phù hợp để kế nhiệm vị thủ tướng từng được tôn vinh là “người bảo vệ trật tự tự do phương Tây” là điều hết sức khó khăn. Nỗ lực này đã thất bại cách đây một năm khi nhân vật được CDU lựa chọn làm lãnh đạo tiếp theo của đảng này cảm thấy bị lu mờ trước ảnh hưởng của bà Merkel đến mức quyết định không ra ứng cử.
Sau khi chứng kiến những bất ổn liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, đặc biệt là vụ bạo loạn tại trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ vào tuần trước, nhiều người Đức đang lo lắng dõi theo từng đường đi nước bước của giới chính trị trước khi bà Merkel rời nhiệm sở.
Andrea Römmele, giáo sư tại trường Hertie, Berlin nhận xét: “Chủ nghĩa Merkel được coi là liều thuốc giải độc của chủ nghĩa Trump. Với việc cả ông Trump và bà Merkel rời nhiệm sở trong năm nay, câu hỏi đặt ra là di sản của ai sẽ chiến thắng”.
Ở Đức, dù có rất ít khả năng xảy ra cuộc khủng hoảng theo kiểu Mỹ, nhưng đường lối của phe bảo thủ cùng những thách thức mà nước này đang phải đối mặt, sẽ đặt người kế nhiệm bà Merkel vào tình thế khó khăn.
Ông Armin Laschet – đồng minh lâu năm của Thủ tướng Merkel. Ảnh: MV. |
Là một nhân vật theo xu hướng ôn hòa và là thủ hiến bang đông dân nhất của Mỹ North Rhine-Westphalia, ông Laschet từng ủng hộ quyết định mở cửa đón hơn 1 triệu người di cử của bà Merkel trong năm 2015 và 2016. Chiến thắng của ông đánh dấu sự chiến thắng của những người muốn tiếp nối chính sách ôn hòa và trung dung mà bà Merkel theo đuổi suốt 15 năm nắm quyền.
Bài phát biểu chiến thắng của ông Laschet đã nhận được sự tán thành của đại đa số thành viên trong CDU, với cam kết vừa lưu giữ truyền thống, lại vừa mang đến những thay đổi tích cực. Ông Laschet đã nhắc đến quá khứ của cha ông là một thợ mỏ để truyền tải thông điệp về sự hòa giải, đoàn kết và kêu gọi những người bảo thủ hãy rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở bên kia Đại Tây Dương.
“Niềm tin là thứ giúp chúng ta đi cùng nhau, nhưng lại là điều đã bị phá vỡ ở nước Mỹ. Khi một tổng thống gieo rắc sự bất hòa và sự thiếu tin tưởng, đưa ra những cáo buộc không đúng sự thật, ông ấy đã phá vỡ lòng tin và sự ổn định”, ông Laschet nhấn mạnh.
Theo ông Laschet, nhà lãnh đạo mới của CDU phải có “khả năng thống nhất”. “Chúng ta sẽ chỉ chiến thắng nếu chúng ta vững vàng ở vị trí trung tâm của xã hội. Chúng ta phải đảm bảo rằng trung tâm nàu phải tiếp tục đặt niềm tin vào chúng ta”.
Thorsten Faas, nhà khoa học chính trị tại Đại học Tự do ở Berlin, cho biết: “Sẽ rất thú vị khi xem những gì ông Laschet sẽ nói trong những tuyên bố công khai đầu tiên về lịch trình lựa chọn ứng viên thủ tướng. Nếu ông ấy ra tranh cử, ông ấy có cơ hội lớn trong cuộc chạy đua giành vị trí ứng cử viên thủ tướng chính thức. Ông ấy đang có nhiều động lực để giành chiến thắng”.
Các đồng minh của Đức hy vọng sự chuyển tiếp sang thời kỳ hậu Merkel sẽ diễn ra suôn sẻ khi một trong những đồng minh thân cận nhất của bà lãnh đạo đảng CDU. Trong những năm qua, ông Laschet đã nhiều lần bảo vệ các chính sách của bà Merkel, trong đó có chính sách mở cửa biên giới gây tranh cãi.
Danh tiếng của ông Laschet được biết đến rộng khắp trên toàn nước Đức vào năm 2017, sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử khu vực ở Bắc Rhine-Westphalia – nơi từ lâu là thành trì của đảng Dân chủ Xã hội của Đức (SPD).
Công việc đầu tiên của ông với vai trò lãnh đạo CDU sẽ là giúp đảng này giành được lợi thế trong hai cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3/2021, tại các bang Baden-Württemberg và Rhineland-Palatinate. CDU hiện đang giành được tỷ lệ ủng hộ lớn trên toàn nước Đức, một phần là do cách xử lý khéo léo và phù hợp của bà Merkel khi đối phó với đại dịch.
Markus Soder – nhân vật không hề kém cạnh
Tuy vậy vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn ông Laschet sẽ trở thành thủ tướng, ngay cả khi CDU được cho là có khả năng giành được số phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Theo kế hoạch vào mùa Xuân năm nay, đảng bảo thủ mới chọn ứng cử viên thủ tướng, trong khi đó nhiều ứng viên khác cũng cũng đang muốn giành quyền đại diện đảng CDU ra tranh cử. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau các cuộc tham vấn giữa CDU với đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Nếu tỷ lệ ủng hộ của CDU bị thu hẹp trong các cuộc bầu cử cấp bang, ông Laschet có thể chịu áp lực phải đứng sang một bên và nhường chỗ cho ông Markus Soder, lãnh đạo đảng CSU trong cuộc cạnh tranh ứng viên thủ tướng. Ông Markus Soder có thể sẽ ra tranh cử với tư cách là ứng cử viên chung của cả hai đảng CDU/CSU.
Là một chính trị gia trẻ tuổi, đầy tham vọng, ông Soder – đã tự chuyển mình từ người chỉ trích mạnh mẽ bà Merkel trong cuộc khủng hoảng di cử năm 2015 trở thành một trong những đồng minh trung thành nhất của nữ thủ tướng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Theo một số cuộc thăm dò dư luận, ông Soder thậm chí còn được các cử tri Đức mến mộ hơn ông Laschets vì ông chủ trương các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để chặn đứng dịch Covid-19. Mặc dù là nhà chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại bang Bắc Rhine-Westphalia, nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Laschet đã bị giảm trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 vì ông bị coi là do dự và thiếu quyết đoán.
Herfried Münkler, một nhà bình luận chính trị và nhà khoa học chính trị tại Đại học Humboldt ở Berlin nhận xét, dù ai được lựa chọn là lãnh đạo tiếp theo của nước Đức thì họ cũng khó tạo ra được di sản to lớn như những gì Thủ tướng Merkel đã làm. Bà Merkel đã góp phần tạo nên hình ảnh của một châu Âu ngày nay, là người có ảnh hưởng hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác.
“Bà Merkel đại diện cho một hình mẫu nhà lãnh đạo biết lắng nghe, rất kiên nhẫn, có chừng mực, tài năng và rất khéo léo trong xử lý các mối quan hệ - một kiểu người mà không ai có thể thay thế được. Thế nhưng kỷ nguyên Merkel đang dần khép lại. Sự chuyển biến này dù không thay đổi vai trò của nước Đức nhưng nó sẽ thay đổi cách Đức khẳng định vai trò trong liên minh châu Âu”, chuyên gia Herfried Münkler nhấn mạnh.
Đối với tất cả những diễn biến sẽ bao trùm nền chính trị Đức trong năm nay, cả những người ủng hộ và chỉ trích Thủ tướng Merkel cho rằng sau 4 nhiệm kỳ nắm quyền của bà, đã đến lúc phải thay đổi./.
Theo Hồng Anh/VOV.VN
Liên kết website
Ý kiến ()