Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 23:44 (GMT +7)
Đưa Việt Nam thành điểm đến du lịch cưới của khu vực và thế giới
Thứ 4, 29/05/2024 | 08:13:11 [GMT +7] A A
Sau hàng loạt đám cưới của giới siêu giàu Ấn Độ và một số nước được tổ chức tại Việt Nam, đất nước hình chữ S đang từng bước nổi lên như một điểm đến đầy triển vọng về du lịch cưới của khu vực. Với nhiều tiềm năng phát triển, du lịch cưới đang được xác định là thị trường ngách hấp dẫn của ngành công nghiệp không khói nước ta.
Du lịch cưới có thể hiểu là hình thức tổ chức đám cưới phương xa, thay vì chọn các khách sạn hay sảnh tiệc cưới gần nhà, cô dâu, chú rể cùng các khách mời sẽ đến một điểm du lịch trong nước hoặc nước ngoài để cử hành hôn lễ và nghỉ dưỡng.
Tại Việt Nam, khái niệm “du lịch cưới” bắt đầu được nhắc đến nhiều kể từ khi một đôi vợ chồng tỷ phú người Ấn Độ quyết định chọn Phú Quốc (Kiên Giang) để tổ chức lễ cưới vào tháng 3/2019, với sự chứng kiến của 700 khách mời đến từ nhiều quốc gia. JW Marriott Phú Quốc, nơi diễn ra lễ cưới “triệu đô” này sau đó đã trở thành địa điểm du lịch cưới của nhiều cặp vợ chồng thuộc giới thượng lưu, và suốt 5 năm liên tiếp (2019-2023) chiến thắng ở hạng mục “Khu nghỉ dưỡng tổ chức tiệc cưới sang trọng hàng đầu thế giới” của World Travel Awards - giải thưởng được ví như Oscar của ngành du lịch.
Cùng với Phú Quốc, Đà Nẵng cũng đang chứng minh là điểm đến nổi trội của Việt Nam về du lịch cưới. Từ đầu năm 2024 đến nay, Đà Nẵng liên tiếp đón giới siêu giàu Ấn Độ đến tổ chức đám cưới. Tháng 1 là hôn lễ tại Sheraton Grand Danang, quy mô gần 500 thượng khách, nhân viên phục vụ, huy động toàn bộ 258 phòng lưu trú; tháng 2 là đám cưới tại Hyatt Regency Danang Resort and Spa với 200 thượng khách; đầu tháng 3 là lễ thành hôn tại Danang Marriot Resort and Spa với hơn 400 khách mời, sử dụng 650 phòng lưu trú. Cũng trong tháng 2, một cặp vợ chồng Ấn Độ khác đã gây bất ngờ khi thực hiện “siêu đám cưới” tại Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cùng hơn 600 khách mời.
Không chỉ hút khách quốc tế, du lịch cưới còn đang trở thành xu hướng được nhiều người nổi tiếng trong nước quan tâm. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng lớn của phân khúc thị trường đầy tiềm năng này; đồng thời cũng khẳng định Việt Nam có đầy đủ lợi thế để phát triển du lịch cưới với nhiều bờ biển đẹp, hệ thống di sản phong phú, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, ẩm thực đa dạng, con người thân thiện, cơ sở hạ tầng và dịch vụ ngày càng được đầu tư có chiều sâu… Cùng với Phú Quốc, Đà Nẵng, Hạ Long, nhiều điểm đến khác như Nha Trang, Hội An, Sa Pa, Đà Lạt… cũng là những địa điểm lý tưởng để tổ chức du lịch cưới.
Dù là “địa hạt” còn khá mới mẻ, nhưng dễ nhận thấy, du lịch cưới có thể mang đến nguồn lợi không nhỏ cho ngành kinh tế xanh Việt Nam, bởi đối tượng du khách lựa chọn hình thức du lịch kết hợp tổ chức hôn lễ thường là những người có điều kiện tài chính, sẵn sàng chi số tiền lớn cho sự kiện quan trọng nhất đời mình. Hơn nữa, đám cưới của các cặp vợ chồng người nước ngoài thường có sự tham gia của hàng trăm khách mời đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Bên cạnh sử dụng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm tại nơi được chọn tổ chức cưới, không ít người trong số họ còn có kế hoạch kéo dài chuyến đi để có những trải nghiệm du lịch sâu sắc hơn. Chưa kể, thông qua các hình ảnh lung linh được nhiều thượng khách dự cưới chia sẻ trên mạng xã hội, hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam cũng có cơ hội được quảng bá, lan truyền rộng rãi.
Với bản thân cô dâu, chú rể, khi đám cưới mang đến sự thỏa mãn cảm xúc cùng những ấn tượng khó quên, họ cũng sẽ không ngần ngại quay trở lại Việt Nam nhiều lần trong đời vào những dịp kỷ niệm ngày cưới hay bất kỳ thời điểm nào phù hợp để ôn lại kỷ niệm đẹp. Rõ ràng, phát triển du lịch cưới mang tới lợi ích kép về cả doanh thu và truyền thông, giúp thu hút nhiều du khách hơn.
Những năm gần đây, sản phẩm du lịch cưới được nhiều quốc gia châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á chú trọng phát triển, nhờ tận dụng ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và chi phí tổ chức hợp lý.
Không chỉ có cơ hội nhờ sự tăng trưởng du lịch cưới nói chung của khu vực, Việt Nam còn có lợi thế từ sự quan tâm của nhiều thị trường khách tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, nhất là Ấn Độ - quốc gia có giá trị thị trường cưới đạt hơn 45 tỷ USD năm 2022 và ước tính sẽ đạt 100 tỷ USD năm 2025.
Xác định đây là “mỏ vàng” cần khai thác, những điểm đến có thế mạnh về tài nguyên du lịch cưới ở nước ta đang tập trung nhiều nguồn lực để thúc đẩy phân khúc này. Tích cực nhất phải kể đến Đà Nẵng.
Bên cạnh sự phối hợp các bên liên quan xây dựng chương trình thí điểm thu hút khách du lịch cưới thường xuyên, thành phố biển này đã công bố thông điệp “Nơi khởi nguồn hạnh phúc-Where happiness begins” trong kế hoạch truyền thông, tiếp thị cho điểm đến cưới Đà Nẵng giai đoạn 2024-2025.
Đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, du lịch cưới được đẩy mạnh truyền thông trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng, trong đó tập trung hướng đến thị trường Ấn Độ. Để gây ấn tượng tốt đẹp cho các cặp vợ chồng chọn Đà Nẵng là nơi tổ chức đám cưới, Sở Du lịch thành phố đã cùng các đơn vị triển khai ngay một loạt hoạt động chào đón, như: kết hợp Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng-AHT chiếu thông điệp chào mừng đám cưới trên màn hình LED tại khu vực nhập cảnh; phối hợp các cơ quan chức năng tại sân bay hỗ trợ, tạo điều kiện thông quan hàng hóa, hành lý nhanh chóng phục vụ cho lễ cưới; tặng hoa, quà lưu niệm, lời chúc phúc, lời cảm ơn của thành phố Đà Nẵng tới gia đình cô dâu, chú rể; đồng thời “chiêu đãi” các khách mời tham dự lễ cưới các tiết mục nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
So với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, nước ta đi sau về phát triển du lịch cưới. Do đó, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh ở phân khúc này, Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa hơn trong cung ứng dịch vụ.
Nói về điều này, ông David Ippersiel, Tổng quản lý Khách sạn Sheraton Grand Da Nang Resort and Convention Center cho hay, để tổ chức các sự kiện cưới quy mô lớn, việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ cơ sở vật chất đến tổ chức sự kiện là không thể thiếu. Bên cạnh đó, sự mới lạ và danh tiếng của điểm đến cũng là tiêu chí quan trọng để các đôi vợ chồng đưa ra quyết định lựa chọn nơi tổ chức lễ cưới.
Vì thế, cùng với đẩy mạnh truyền thông ở tầm quốc gia và địa phương, nước ta còn cần hình thành hệ sinh thái hoàn chỉnh về du lịch cưới. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam nhận định: Nhiều điểm đến có tiềm năng về du lịch cưới ở nước ta còn gặp hạn chế trong kết nối đường bay trực tiếp với các thị trường cưới quốc tế, trong khi đó, không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể thuê máy bay nguyên chuyến.
Chúng ta còn thiếu những đơn vị tư vấn, lập kế hoạch, tổ chức cưới chuyên nghiệp; cũng chưa có những nhà hàng lớn chuyên biệt đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về ẩm thực cho các đoàn khách lớn, chẳng hạn như Ấn Độ, dẫn đến khi tổ chức cưới, du khách buộc phải mang theo đầu bếp hay thực phẩm của nước mình sang. Đây là những rào cản mà Việt Nam cần phải có giải pháp khắc phục nếu muốn trở thành “thiên đường du lịch cưới” của khu vực.
Bên cạnh đó, theo ông Dũng, khách mời của những “siêu đám cưới” thường mang nhiều quốc tịch khác nhau, nên chính sách về visa dành cho những đối tượng này cũng cần thông thoáng, linh hoạt hơn để nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()