Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:47 (GMT +7)
Đưa thủ công mỹ nghệ trở thành sản phẩm du lịch
Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:02:38 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời với nhiều nghề truyền thống, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa rất lớn về văn hoá và du lịch.
Quảng Ninh với nền văn hoá Hạ Long từng là nơi người Việt cổ phát triển từ lâu đời các nghề truyền thống đánh bắt hải sản, chế tác đồ gốm từ nhuyễn thể, đan lát... Một số nghề ra đời sau đó cùng với tiến trình phát triển của lịch sử vùng đất Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, hiện cũng có nhiều nghề và làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hoá bản địa, góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, hiệu quả kinh tế phục vụ đời sống nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số nhóm ngành nghề truyền thống như: Nghề gốm sứ, mây tre đan, điêu khắc than đá, chế biến nông, lâm, thuỷ sản...
Trong đó, phải kể đến các làng nghề như: Gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng, gốm sứ Đông Thành (Đông Triều); nuôi cấy ngọc trai ở Hạ Long, than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm Phả; nghề trồng hoa ở Đông Triều, nghề làm miến dong Bình Liêu, nghề làm mắm ở Vân Đồn, nghề đan ngư cụ Hưng Học, nghề đóng thuyền vỏ gỗ bên sông Bạch Đằng (Quảng Yên)...
Một số làng nghề, nghề truyền thống đã chủ động tìm được hướng đi đúng đắn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Tại Quảng Ninh, từ việc triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua, đã góp phần hồi sinh, tạo sức sống mới cho nghề truyền thống, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho lao động địa phương. Sản phẩm làng nghề trở nên đa dạng, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường như: Miến dong Bình Liêu, mắm sá sùng Vân Đồn, nem chua Quảng Yên, hải sản khô Cô Tô, gốm sứ mỹ nghệ Đông Triều... Bên cạnh giá trị kinh tế, các nghề và làng nghề truyền thống còn đóng góp vào bức tranh văn hóa của địa phương. Do đó, đưa nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đã và đang trở thành xu hướng phát triển tại nhiều nơi.
Đã có một số làng nghề và nghề thủ công truyền thống được công nhận. Bên cạnh đó còn có một số nghề khác như gốm sứ, than đá mỹ nghệ, nuôi cấy ngọc trai, mây tre đan, thêu thổ cẩm đang được gìn giữ và phát triển. Được biết, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Ninh đã tạo được dấu ấn trên thị trường trong và ngoài nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2023 của Quảng Ninh đạt gần 8.160 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế các nghề truyền thống và làng nghề ở Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một số nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau nên rất ít nghề, làng nghề đạt tiêu chí công nhận nghề, làng nghề truyền thống. Cùng với đó, hiện nay chính người lao động, các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến việc công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống. Thêm nữa, nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ còn thấp, chính sách phát triển nghề còn nhiều bất cập, nhu cầu tiêu dùng thay đổi tạo khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ...
Ngày 30/10/2023, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh bền vững, với những mục tiêu phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng phát triển nền văn hoá giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trên cơ sở kết hợp hài hoà Hệ giá trị đặc trưng của Quảng Ninh.
Một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 17-NQ/TU xác định đến năm 2030, xây dựng Đề án phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch; phát triển văn hóa ẩm thực Quảng Ninh thông qua việc lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức kết nối thành điểm đến của khách du lịch, hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống; từng bước hình thành các cơ sở dịch vụ ăn uống đạt chuẩn xếp hạng quốc tế. Đặc biệt, Quảng Ninh xác định sẽ phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa và quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa.
Để giữ gìn những tinh hoa nghề truyền thống của cha ông gửi gắm cho thế hệ mai sau, các cấp, ngành, địa phương cần có những biện pháp hiệu quả và quyết liệt hơn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho công tác bảo tồn, tạo điều kiện phát triển nghề gắn với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch; tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân.
Phạm Học
- Tinh Hoa Đá Mỹ Nghệ - Địa chỉ thiết kế lăng mộ đẹp cao cấp
- Tre Lá Đạt Thành - Xưởng bán hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu
- CLB mỹ nghệ - Điểm hẹn của những người yêu nghệ thuật
- Tính ứng dụng của nghề móc len thủ công trong đời sống hiện đại
- Gìn giữ nghề thủ công truyền thống
- Nghề đóng sách cũ thủ công
- Trải nghiệm nghệ thuật với workshop thủ công
- Nghề làm đồ da thủ công
Liên kết website
Ý kiến ()