Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:16 (GMT +7)
Đưa sản phẩm OCOP vươn xa
Thứ 6, 30/08/2024 | 05:44:48 [GMT +7] A A
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái nhiều thành công, tạo hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế. Các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh ngày càng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và phù hợp với thị trường. Để các sản phẩm OCOP vươn xa, tỉnh tiếp tục nâng tầm các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Gìn giữ thương hiệu OCOP Quảng Ninh
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3 đến 5 sao (296 sản phẩm đạt 3 sao, 93 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao). Đáng chú ý, 218 chủ thể sản xuất, bao gồm 55 doanh nghiệp, 89 hợp tác xã và 74 hộ sản xuất ngày càng khẳng định vị thế với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Theo đại diện Công ty TNHH Long Hải tại Cụm công nghiệp Kim Sơn (TX Đông Triều), Công ty sản xuất các loại nấm ăn cao cấp để cung ứng ra thị trường. Hiện sản phẩm nấm của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường hiện nay, Công ty đang định hướng phát triển hơn nữa để nâng sao cho sản phẩm. Công ty luôn quan tâm tới việc đầu tư máy móc, ứng dụng KHCN vào sản xuất để đạt năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh, nhóm ngành thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 291 sản phẩm (chiếm 74%), tiếp theo là đồ uống, dược liệu, thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và du lịch dịch vụ… Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà còn mang giá trị văn hóa, nguồn gốc rõ ràng và thiết kế bao bì hấp dẫn. Để nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, tháng 5/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi sáng tạo bao bì, nhãn hàng hoá, giỏ quà và câu chuyện sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2024. Cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP có cơ hội phát triển và cải thiện bao bì, tem nhãn, giỏ quà, từ đó nâng cao giá trị thẩm mĩ và chất lượng của các sản phẩm. Đồng thời thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế bao bì, nhãn hàng hoá, giỏ quà, giúp sản phẩm OCOP thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Những câu chuyện ý nghĩa, hấp dẫn về sản phẩm OCOP được lựa chọn cũng góp phần nâng cao hình ảnh về nguồn gốc, xuất xứ, quá trình sản xuất và giá trị văn hoá của các sản phẩm, xây dựng và tăng cường hình ảnh thương hiệu cho sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển bền vững sản phẩm OCOP, tỉnh triển khai hiệu quả 7 nhóm giải pháp theo Quyết định số 3398 (ngày 16/11/2022) của UBND tỉnh, với mục tiêu đưa các sản phẩm OCOP phát triển mạnh mẽ đến năm 2025. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tổ chức kinh tế, cơ quan quản lý và người dân về chương trình OCOP; chuẩn hóa bộ máy vận hành OCOP từ cấp tỉnh đến xã theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tế và gắn liền với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển sản phẩm OCOP…
Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất cũng được tỉnh chú trọng từ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm. Các sản phẩm OCOP được đầu tư phát triển và chuẩn hóa vùng nguyên liệu đầu vào, được bảo hộ sở hữu trí tuệ và xây dựng thương hiệu mạnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn cũng được xây dựng và ứng dụng công nghệ QR-code, đảm bảo minh bạch thông tin cho người tiêu dùng. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện cấp mã QR-code cho 1.276 sản phẩm nông sản, thủy sản; in và cấp phát trên 323.000 tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP, sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng chú trọng tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế tự nhiên, văn hóa và tập quán sản xuất của địa phương. Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: Ba kích Ba Chẽ, Chè Đường Hoa Hải Hà, Miến dong Bình Liêu... được phát triển theo hướng hữu cơ, sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, góp phần bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Bà Bùi Thị Oanh (đại diện HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ hải sản Nam Hải) cho biết: Là đơn vị kinh doanh các sản phẩm hải sản của Cô Tô, hợp tác xã mong muốn hải sản chính hiệu Cô Tô sẽ được đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm hải sản OCOP của chúng tôi đã được cấp từ 3 đến 4 sao. Mới đây, sản phẩm OCOP mực ống Cô Tô khô tiếp tục phát triển lên sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là điều hợp tác xã rất mong mỏi và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng trong việc thẩm định chất lượng sản phẩm, thương hiệu, từ đó nâng tầm các sản phẩm OCOP địa phương.
Xây dựng sản phẩm giá trị kinh tế cao, bền vững
Cùng những thành công thì Chương trình OCOP vẫn đối mặt với một số thách thức trong việc đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường, cải thiện quy trình sản xuất... Vì vậy, để đưa thương hiệu OCOP Quảng Ninh vươn xa hơn nữa, tỉnh đang tích cực hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực để đầu tư, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao và bền vững.
Tỉnh đặt mục tiêu định hướng và hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp OCOP tiêu biểu, tiềm năng. Theo đó, chủ động nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các chính sách ưu đãi tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua Ngân hàng CSXH và hỗ trợ lãi suất. Đây là những động lực quan trọng giúp doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến và mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thúc đẩy sự phát triển vững chắc của các doanh nghiệp OCOP. Đồng thời, tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp OCOP đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế.
Xác định phát triển thương hiệu cũng là một chiến lược "then chốt" giúp OCOP Quảng Ninh tiến xa hơn, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; thực hiện tổ chức thường niên từ 2-3 Hội chợ OCOP cấp tỉnh/năm, duy trì các điểm giới thiệu và bán sản phẩm; thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại và trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội lớn. Đặc biệt, từ ngày 29/8 đến 3/9 này, tỉnh tổ chức Hội chợ OCOP khu vực Đông Bắc - Quảng Ninh 2024. Hội chợ có 257 gian hàng của các doanh nghiệp OCOP trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài, được chia thành 4 khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm bên trong và bên ngoài Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh. Đây tiếp tục sẽ là cơ hội để các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh vươn xa hơn và tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, chuyển đổi số đã trở thành một trong những giải pháp đột phá trong tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương đang tích cực đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị, chương trình tập huấn và hướng dẫn người dân tham gia vào các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream bán sản phẩm… Ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Trong thời đại số hiện nay, việc quảng bá, xúc tiến trên môi trường mạng là giải pháp nhanh nhất giúp thúc đẩy quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng. Cùng với quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, thì livestream bán hàng cũng đang là xu hướng và được triển khai mạnh mẽ. Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP Quảng Ninh lên các sàn thương mại điện tử uy tín, phối hợp livestream giới thiệu sản phẩm và đổi mới hoạt động, hình thức tổ chức các Hội chợ, triển lãm…, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Ngoài ra, hướng tới mục tiêu "Đoàn kết để phát triển”, các cấp sở, ngành chức năng toàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh khuyến khích sự liên kết giữa các doanh nghiệp OCOP và các doanh nghiệp khác trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Sự hợp tác này giúp tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường và hướng đến xuất khẩu. Đây chính là nền tảng để doanh nghiệp tạo ra doanh thu và lợi nhuận bền vững, đóng góp vào sự phát triển toàn diện của chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Vọng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh, cho biết: Quảng Ninh quyết tâm nâng tầm sản phẩm OCOP, xem đây là chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế, nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị địa phương. Tỉnh tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, liên kết theo chuỗi dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa và các đặc sản địa phương; đẩy mạnh đổi mới toàn diện, từ công tác lãnh đạo, quản lý đến nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, HTX…; rà soát, định vị các nhóm sản phẩm, tập trung hỗ trợ hiệu quả các sản phẩm chủ lực và chuẩn hóa quy trình sản xuất, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ qua các kênh truyền thông và nền tảng số như Tiktok, Facebook… Văn phòng tăng cường công tác đánh giá và đề xuất cải tiến các chính sách hỗ trợ, để tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP, đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2026-2030.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()