Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:35 (GMT +7)
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Thứ 2, 08/01/2024 | 09:27:25 [GMT +7] A A
Trong thời đại 4.0, việc đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) được xem là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, HTX và người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Sản phẩm OCOP Trà hoa vàng của Công ty CP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ), là sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, thời gian qua bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, công ty đã đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm trà hoa vàng qua các kênh bán hàng trực tuyến, nhờ đó công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ trong toàn tỉnh và trong nước mà sản phẩm trà hoa vàng của công ty đã vươn ra thị trường nước ngoài.
Anh Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP kinh doanh Lâm sản Đạp Thanh cho biết: Được sự tư vấn, hướng dẫn của các phòng, ban của huyện Ba Chẽ, Công ty đã đưa các sản phẩm trà hoa vàng lên các sàn TMĐT ocop.com.vn, Shopee, Lazada, Voso… Nhờ đó, khách hàng biết đến nhiều hơn, lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện sản lượng tiêu thụ mỗi năm của công ty đạt 200kg hoa khô, 500kg lá khô; doanh thu 3-4 tỷ đồng.
Những ngày cuối năm 2023, gia đình ông Trần Văn Hậu, chủ vườn cam 68 (xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn), tất bật đóng từng túi cam cho vào thùng để chuyển đi các tỉnh cho khách đặt hàng. Những đơn đặt hàng cam Vạn Yên không chỉ đến từ những địa phương lân cận, mà còn đến từ các tỉnh phía Nam, từ những đơn hàng 5-10kg cho đến những đơn hàng cả trăm kg của các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Ông Hậu là một trong số các hộ dân 4.0 thành công đưa sản phẩm cam Vạn Yên lên sàn TMĐT.
“Tôi và bà con trồng cam ở Vạn Yên đã được Tổ công nghệ số cộng đồng của xã hướng dẫn từ chụp ảnh, dám tem truy xuất nguồn gốc đến đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như ocopquangninh, tiki… Gia đình tôi đã bán được 15 tấn cam qua sàn TMĐT”, ông Hậu chia sẻ.
Để các cá nhân và tổ chức tiếp cận với sàn TMĐT, trong năm 2023, các sở, ban, ngành, UBND các địa phương đã tổ chức trên 30 chương trình tập huấn, lớp đào tạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT nhằm phát triển hoạt động kinh doanh. Cùng với đó Sở Công Thương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức 2 hội nghị, chương trình tập huấn TMĐT xuyên biên giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 156 website về TMĐT. Trong đó có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT. Tính đến thời điểm hiện tại, Sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu 560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 334 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Số lượng khách truy cập trong năm 2023 là khoảng 207.130 lượt truy cập. Số lượng đơn hàng trong năm 2023 là 370 đơn. Sản phẩm có sức tiêu thụ tốt gồm: Trà hoa vàng (Ba Chẽ), miến dong Bình Liêu, ruốc hàu Vân Đồn...
Ngoài kênh TMĐT ocop.com.vn, tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều cuộc kết nối, trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên các kênh TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso… Đây đều là những kênh phân phối có uy tín, có lượt tiếp cận cao, giúp thúc đẩy và tăng hiệu quả hoạt động thương mại của các đơn vị.
Để tiếp tục hỗ trợ các tổ chức và cá nhân đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử, ông Trần Phong, Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Quảng Ninh, cho biết: Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trong môi trường số cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập huấn cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn TMĐT.
Hiện nay các sản phẩm OCOP các mẫu mã ngày càng được đầu tư bài bản, bắt mắt. Bên cạnh đó nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh OCOP trên địa bàn tỉnh đang từng bước thay đổi thói quen, tư duy kinh doanh theo hướng số hóa. Chính vì thế nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang được tiêu thụ ngày càng nhiều hơn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự đột phá, để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP của tỉnh.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()