Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:50 (GMT +7)
Đưa nước sạch về khu vực nông thôn
Thứ 6, 22/03/2024 | 09:02:50 [GMT +7] A A
Thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, tỉnh Quảng Ninh đã huy động nhiều nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tại khu vực này.
Năm 2023, tỉnh đã đầu tư 12 công trình cấp nước tập trung tại các xã nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn Lục Nà, Bản Cáu, Bản Pạt (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) có tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý IV/2023. Công trình gồm 2 bể lọc dung tích 60m3 và 1 bể chứa nước sạch dung tích 200m3.
Theo ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, trước đây người dân trên địa bàn phải dùng nước từ các khe suối và nước giếng khơi để sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước này ngày càng khan hiếm và ô nhiễm. Từ khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã được đầu tư, đã có 400 hộ dân được sử dụng nguồn nước sạch này, qua đó tạo điều kiện để xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024.
Bà Dương Thị Nguyên (thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn) chia sẻ: Gia đình tôi có nhiều cháu nhỏ. Trước đây việc sử dụng nguồn nước giếng khơi để ăn uống và sinh hoạt khiến tôi rất lo lắng cho sức khỏe của các cháu. Nay có nguồn nước sạch để sử dụng, tôi rất yên tâm và biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng sâu, vùng xa chúng tôi.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 263 công trình, hệ thống công trình phục vụ cấp nước khu vực nông thôn. Trong đó, UBND cấp xã quản lý 231 công trình; đơn vị sự nghiệp quản lý 12 công trình; doanh nghiệp nhà nước, có vốn nhà nước quản lý 18 công trình; tư nhân quản lý 2 công trình. Huyện Tiên Yên là địa phương có hạ tầng cấp nước sạch nông thôn nhiều nhất tỉnh với 54 công trình, gồm 2 công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý và 52 công trình do địa phương (UBND cấp xã) quản lý.
Công ty TNHH Hồng Quảng Yên Hưng (TX Quảng Yên) là doanh nghiệp tư nhân duy nhất của tỉnh đầu tư công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc công ty, chia sẻ: Đến nay, công ty đã đầu tư hơn 18 tỷ đồng để xây dựng 2 trạm cấp nước tại phường Phong Hải và xã Tiền Phong với tổng công suất 3.000m3/ngày đêm. Đến hết năm 2023, đã có 2.500 hộ dân tại Phong Hải, Tiền Phong, Liên Hòa và Nhà máy Sửa chữa tàu biển Nosco (Công ty CP Sửa chữa tàu biển Nosco Shipyard) sử dụng nước của công ty với giá 6.300 đồng/m3.
Ông Lê Văn Hào (khu 8, phường Phong Hải) cho biết: Trước đây, gia đình tôi dùng nước mưa và nước sông ngòi (đã qua xử lý) để sinh hoạt, nhưng về mùa khô, lượng nước tích trữ trong bể 15m3 không đủ dùng nên phải mua thêm với giá rất cao 70.000-100.000 đồng/m3 nước. Từ khi có trạm cấp nước phường Phong Hải, gia đình không phải mua nước giá cao nữa mà vẫn có nước sạch để sử dụng ổn định, thường xuyên.
Hết năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn trong toàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 99,9%. Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%; tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 2018/BYT đạt 67,17%.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 2018/BYT, hiện Sở Xây dựng đang tập trung hoàn thiện đề án cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh để các địa phương, đơn vị có liên quan căn cứ triển khai thực hiện; Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật trong quản lý, khai thác, đảm bảo phù hợp với điều kiện đặc thù của các công trình cấp nước sạch nông thôn, tiến tới xây dựng giá sản phẩm nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()