Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:28 (GMT +7)
Đưa nông thôn thành khu vực sôi động và giàu đẹp
Thứ 7, 16/09/2023 | 15:42:07 [GMT +7] A A
Từ việc tạo tiền đề cho nông dân phát triển, Quảng Ninh đã có một lực lượng nông dân biết phát huy nội lực, cần cù, năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, trở thành lực lượng hạt nhân của các vùng nông thôn, là chủ thể của các mô hình kinh tế nông nghiệp, góp phần đưa nông thôn trở thành cực tăng trưởng, cùng với thành thị tạo nên bước phát triển đột phá cho tỉnh Quảng Ninh hôm nay và những năm tiếp theo.
Được trang bị điều kiện cần và đủ
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, phân tích: Nếu coi năm 1990 là mốc thì những quyết sách trước đó và sau đó của trung ương về khoán 100 (Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương), về khoán 10 (Nghị quyết 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị), về Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn… chính là nền tảng. Cái hay là các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ninh khi đó đã tiếp cận và hiện thực hoá khoán 100, khoán 10, Nghị quyết 26 một cách hiệu quả, nhanh chóng xoá bỏ cơ chế kiểm ngày tính công, chính thức coi hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, qua đó nâng cao năng lực, cơ hội cho nông dân, tạo đà phát triển sản xuất nông nghiệp lên trình độ mới…
Có thể nói, sau giai đoạn “giải phóng” nói trên, từ năm 2000 đến nay, nông dân Quảng Ninh đã không ngừng lớn mạnh. Những giải pháp của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có việc triển khai Chương trình 135 - đưa xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng NTM, đề án phát triển sản phẩm OCOP, chương trình giảm nghèo… để huy động nguồn lực đầu tư cho vùng nông thôn.
Thực tế, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất vùng nông thôn; đầu tư vào nâng cao tư duy, kỹ năng sản xuất, quản lý cho nông dân; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản, biến sản phẩm của người nông dân thành hàng hoá và hàng hoá có giá trị cao. Tính ra đến nay, Quảng Ninh đã tổ chức trên 10 hội nghị tổng kết phong trào nông dân SXKD giỏi, với định kỳ 2 năm, 5 năm một lần; dành số tiền lớn để khen thưởng nông dân trong mỗi hội nghị tổng kết. Như vậy, có thể nói người nông dân Quảng Ninh được trang bị những điều kiện cần và đủ, có nguồn động viên, khuyến khích lớn để phát triển, để khẳng định và nâng cao giá trị bản thân.
Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định: Khi người nông dân vững mạnh, tự tin, chủ động, chắc chắn làm đổi thay diện mạo nông thôn, làm hiện đại nền sản xuất nông nghiệp, đưa khu vực nông thôn thành khu vực kinh tế sôi động và tươi đẹp.
Hình thành lực lượng nông dân thế hệ mới
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có hàng ngàn nông dân SXKD giỏi các cấp. Giai đoạn 2018-2023, số hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu SXKD giỏi mỗi năm là trên 90% và 66% trong số đó đã đạt danh hiệu. Tính trong 5 năm qua, 37 hộ nông dân Quảng Ninh đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi toàn quốc, gần 6.000 hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, hàng chục ngàn lượt hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp cơ sở. Quảng Ninh có những nhà nông tiêu biểu toàn quốc, có nhà khoa học là nhà nông, nông dân có sản phẩm vinh danh toàn quốc… Chính lực lượng này là hạt nhân trong xây dựng NTM, xoá đói giảm nghèo, đưa Quảng Ninh về đích những mục tiêu đề ra.
Năm 2022, hội viên nông dân toàn tỉnh đóng góp cả chục tỷ đồng tiền mặt, đóng góp gần 41.400 ngày công lao động, hiến trên 192.000m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 295km kênh mương nội đồng, 333km đường giao thông, 122 cầu cống. Người nông dân tập hợp nhau lại bảo vệ đường biên mốc giới, hình thành tổ đội sản xuất trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, hình thành các tổ an ninh tự quản phối hợp với lực lượng chuyên môn đấu tranh phòng chống tội phạm, đấu tranh với những đối tượng xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, đảm bảo ANTT tại các cụm, khu công nghiệp… Những đóng góp này của nông dân đưa tỉnh Quảng Ninh về đích NTM năm 2022, vượt mục tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra.
Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng khoa học công nghệ cao, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh sạch, làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị, diện tích canh tác nhỏ song đạt sản lượng và giá trị lớn. Nông dân Quảng Ninh hôm nay năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch, biến mô hình ruộng vườn ao đầm của mình thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm đến của đông đảo du khách, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao
Vai trò của người nông dân Quảng Ninh đã thể hiện ấn tượng trong hành trình Quảng Ninh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Sự góp sức của người nông dân, Quảng Ninh hôm nay giàu mạnh từ vùng nông thôn tới đô thị. Các vùng nông thôn Quảng Ninh tươi đẹp, thanh bình, người nông dân Quảng Ninh ấm no, hạnh phúc, đời sống văn hoá tươi vui, rộn ràng, hưởng thụ đầy đủ các thiết chế văn hoá thể thao... Trên nền tảng này, nông dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục khát vọng vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn tiên tiến, văn minh. Để khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là khu vực kinh tế sôi động, nông thôn là những miền quê đáng sống, nông dân là những hạt nhân của sự phát triển, nông nghiệp trở thành ngành kinh tế vững mạnh, cùng góp sức xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương điển hình với thiên nhiên tươi mới, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()