Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:53 (GMT +7)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký: Bình Liêu đưa Nghị quyết số 06-NQ/TU vào cuộc sống làm thay đổi căn bản chất lượng đời sống nhân dân
Thứ 7, 11/09/2021 | 20:16:12 [GMT +7] A A
Ngày 11/9, tại huyện Bình Liêu, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND.
Cùng đi có các đồng chí: Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Là huyện miền núi, biên giới đặc biệt nhất cả nước với khoảng 94,88% là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Bình Liêu luôn nhận được nhiều sự quan tâm rất lớn của tỉnh thông qua các cơ chế chính sách về đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; an sinh, phúc lợi xã hội; việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo…. Đặc biệt, hệ thống giao thông kết nối 104 thôn, bản của huyện được hoàn thành đã trở thành sợi dây kết nối thúc đẩy sự phát triển địa phương. Từ đó, đã thúc đẩy phát triển sản xuất trên địa bàn, tạo động lực để nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu; diện mạo nông thôn, miền núi thay đổi rõ rệt. Qua đó, ngày càng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, Bình Liêu vẫn là địa phương gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người thấp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn hạn chế về năng lực, trình độ so với yêu cầu nhiệm vụ.
Để khắc phục những hạn chế trên và thực hiện khâu đột phá về phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, ngày 17/5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp đó HĐND tỉnh đã banh hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 16/07/2021 phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các cơ chế chính sách triển khai thực hiện Nghị quyết 06 nhằm tạo động lực lớn cho các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới hải đảo, phát triển bền vững dựa trên tiềm năng thiên nhiên, con người, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Bám sát các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh và thực tiễn của địa phương, huyện Bình Liêu đã chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và các xã trên địa bàn. Trong đó, địa phương đã tập trung tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục, công trình, dự án nhằm phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục đào tạo, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ, chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn, gắn với tạo việc làm; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo; tổ chức lại sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp; phát triển du lịch cộng đồng bền vững, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa; thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số. Trong quá trình triển khai, huyện Bình Liêu rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn để tạo sự đồng thuận và chủ động tham gia thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Kiểm tra thực tế toàn bộ khu vực phía Đông của huyện và trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện, bí thư, chủ tịch 7 xã, thị trấn và bí thư chi bộ các thôn, bản trên địa bàn về từng nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được triển khai từ cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Từ khi thành lập đến nay, trải qua các thời kỳ, tỉnh luôn luôn dành sự quan tâm, trách nhiệm đối với khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt từ năm 2012 thực hiện Thông báo số 108 của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã có các nghị quyết chuyên đề riêng cho khu vực miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc và đã triển khai thực hiện thực sự hiệu quả như Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh; Đề án 196… Trên quan điểm ưu tiên cho vùng khó để thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 – Nghị quyết chuyên đề đặc biệt dành riêng cho các địa phương như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái… có cơ hội, động lực bứt phá mới. HĐND tỉnh ngay lập tức ban hành Nghị quyết số 16 với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhất đối với các địa phương khu vực này.
Nhấn mạnh thời cơ cho Bình Liêu trong giai đoạn mới khi tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Huyện cần phải nhận diện rõ những hạn chế khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người thấp so với tỉnh, hạ tầng chiến lược còn thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cấp cơ sở còn có những hạn chế nhất định so với yêu cầu, nhiệm vụ công việc đặt ra. Trên quan điểm phát triển lấy thiên nhiên – con người – văn hóa làm trọng tâm, huyện phải xác định trong 5 năm tới phải tạo ra bước thay đổi căn bản về cuộc sống người dân. Thu nhập phải trên 100 triệu đồng một người/năm. Phải xóa bỏ được “3 không” (không nhà tạm, nhà dột nát; không nhà tiêu hợp vệ sinh; không có hộ cận nghèo tái nghèo) từ đó mới thay đổi căn bản được nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn hóa, môi trường của người dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy định hướng: Trong các khâu đột phá, địa phương cần cụ thể hơn gồm: Đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện nâng cấp tuyến liên xã gắn với thay đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, tận dụng cơ hội của tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và cặp cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung… Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, nhất là hộ cận nghèo, hộ nghèo, hướng tới lao động trẻ. Trong khâu đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phải xác định trọng điểm là du lịch và thương mại biên giới, cùng với đó là tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp theo hướng bền vững, giá trị gia tăng cao hơn.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06 phải được thống nhất về nhận thức là: Lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm và là mục tiêu thực hiện; xã, huyện là nền tảng quyết định tổ chức thực hiện thành công và chịu trách nhiệm toàn diện trước tỉnh; cấp xã phải nắm tận hộ dân, người dân, làm từ đầu và làm đến cuối. Tổ chức thực hiện là khâu then chốt, nội lực là quan trọng gắn với nguồn vốn ngân sách và vốn mồi tạo động lực thu hút các nguồn vốn khác, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo; Phát triển kinh tế xã hội nhanh bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện - trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu, đồng thời là trách nhiệm của các sở, ban ngành của tỉnh.
Đối với tổ chức thực hiện, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhưng phải có các công trình rõ về hiệu quả kinh tế, xã hội. Lưu ý nâng cấp mặt đường êm thuận, thoát nước dọc rãnh, hộ lan nhằm đảm bảo an toàn và các điểm dừng đỗ, quay đầu; Tập trung phổ biến quán triệt chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện ở từng cấp, phù hợp với các đối tượng; Đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng thương mại biên giới, vận tải, logistics, du lịch, tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu sử dụng đất, ba loại rừng, cây trồng, vật nuôi.
Huyện Bình Liêu phải là trọng điểm phát triển du lịch cộng đồng, nhưng phải có kết nối tour tuyến và chuẩn bị nguồn nhân lực cho du lịch; Trong giáo dục, rà soát lại mạng lưới, quy mô, chất lượng, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chú ý sức khỏe, thể trạng, tầm vóc, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Sàng lọc, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm trong cộng đồng; Rà soát nhà ở, nước sạch sinh hoạt cho người dân; Quan tâm chăm lo củng cố hệ thống chính trị, củng cố niềm tin nhân dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức và năng lực tổ chức thực hiện, nhất là ở cấp cơ sở. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên môn. Đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống về cả dịch bệnh.
Chú ý công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, thay đổi cách nghĩ cách làm của chính đội ngũ cán bộ và người dân. Trong tháng 9 này, Bình Liêu phải hoàn thành tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Để hỗ trợ cho Bình Liêu thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, đồng chí giao các sở ngành, đoàn thể cấp tỉnh có chương trình phối hợp thực chất, hiệu quả với cấp ủy, UBND huyện Bình Liêu. Trong đó, chú trọng lựa chọn công việc phù hợp với chức năng của đơn vị mình để gắn trách nhiệm cụ thể.
Lan Hương - Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()