Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 04:54 (GMT +7)
Đưa KHCN bén rễ sâu, lan tỏa rộng
Thứ 7, 11/01/2025 | 13:49:22 [GMT +7] A A
Công tác phối hợp giữa Sở KH&CN và các địa phương trong tỉnh được đẩy mạnh đã góp phần nâng cao vai trò, tiềm lực, tác động của KHCN vào các lĩnh vực của đời sống. Từ đó đưa KHCN bén rễ sâu, lan tỏa rộng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Được thực hiện từ tháng 12/2021, nhiệm vụ KHCN “Nghiên cứu phục tráng và phát triển bền vững vùng sản xuất hồi tại tỉnh Quảng Ninh” đang góp phần giúp các hộ trồng hồi trên địa bàn huyện Bình Liêu gia tăng giá trị kinh tế cho cây trồng chủ lực địa phương, cải thiện thu nhập. Trong thời gian gần 30 tháng triển khai, nhiệm vụ đã hoàn thành việc điều tra chọn lọc cây trội hồi; nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật về nhân giống; thực hiện quy trình kỹ thuật về trồng rừng thâm canh, phục tráng rừng hồi, kỹ thuật chưng cất tinh dầu hồi. Nhiệm vụ cũng đã xây dựng mô hình vườn sưu tập giống cây trội, mô hình trồng thâm canh, phục tráng rừng hồi và chưng cất tinh dầu hồi.
Anh Hoàng Đức Hải (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: Tham gia nhiệm vụ KHCN này, gia đình tôi đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành… Nhờ đó 2ha hồi của gia đình sinh trưởng tốt, ra nhiều chồi non hơn, cho thu hoạch nhiều quả hơn.
Sở KH&CN đang phối hợp với UBND huyện Tiên Yên triển khai nhiệm vụ KHCN "Bảo tồn nguồn gen gà Tiên Yên", nhằm chọn tạo ra đàn gà hạt nhân phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cũng như hoàn thiện quy trình chọn lọc và quy trình chăn nuôi giống gà quý này. Trong thời gian từ năm 2024-2027, nhiệm vụ sẽ tiến hành điều tra bổ sung, đánh giá thực trạng nguồn gen và tình hình chăn nuôi gà Tiên Yên; chọn lọc đàn hạt nhân gà Tiên Yên dòng trống, dòng mái; hoàn thiện quy trình chăn nuôi gà Tiên Yên (cả loại sinh sản và thương phẩm); đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi…
Năm 2024 Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương cấp huyện quản lý 18 nhiệm vụ KHCN. Các nhiệm vụ KHCN đã giải quyết được những điểm nghẽn trong chuỗi sản xuất, góp phần quan trọng trong việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Bên cạnh triển khai các nhiệm vụ KHCN, hoạt động phối hợp trong quản lý nhà nước về KHCN cũng được đẩy mạnh. Đáng chú ý trong năm 2024, Sở KHCN đã chủ động hướng dẫn các địa phương đăng ký bảo hộ, duy trì hoạt động, gia hạn quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và cơ sở sản xuất, góp phần triển khai hiệu quả chương trình OCOP của tỉnh. Cùng với đó là hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; xây dựng 6 mô hình điểm về năng suất, chất lượng cho các tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức 14 lớp đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trên phần mềm ISO điện tử cho các học viên phụ trách ISO ở địa phương. Đồng thời phối hợp với các địa phương Móng Cái, Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên triển khai áp dụng hệ thống TCVN 18901:2020 vào hoạt động tại các cơ quan, đơn vị hành chính trực thuộc…
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các địa phương trong đổi mới sáng tạo, hướng dẫn thành lập doanh nghiệp KHCN được triển khai mạnh mẽ. Năm 2024 Sở KHCN đã phối hợp với các địa phương rà soát, khảo sát 12 doanh nghiệp tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KHCN. Sở đã tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ tại TechFest 2024; giao ban KHCN vùng trung du và miền núi phía Bắc; sự kiện kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam…
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()