Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:45 (GMT +7)
Đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ 6, 01/09/2023 | 06:29:23 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được ví như một "Việt Nam thu nhỏ", đầy đủ các sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao với nhiều loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; du lịch thể thao, giải trí; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; biên giới - thương mại... Để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, tỉnh đã có nhiều định hướng và những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Từ việc áp dụng các cơ chế, chính sách đầu tư của tỉnh, cơ sở hạ tầng cho phát triển KT-XH, hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo sự phong phú về sản phẩm du lịch, đáp ứng mục tiêu thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Những năm gần đây, nhiều công trình của tỉnh được đưa vào hoạt động đã tạo sự đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, tạo điểm nhấn thúc đẩy phát triển du lịch, tạo sự đặc sắc cho du lịch Quảng Ninh, như sân bay, cảng biển, cao tốc kết nối xuyên suốt, đường ra các xã đảo... Đến nay, Quảng Ninh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng được xếp hạng; 133 công ty, chi nhánh lữ hành; 12/13 địa phương trong tỉnh được công nhận các tuyến, điểm du lịch.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa với các tổ chức nước ngoài và quốc tế; gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với các hoạt động thông tin đối ngoại, xúc tiến, quảng bá du lịch... Những năm gần đây, tỉnh đã phối hợp và tổ chức thành công nhiều sự kiện, hội nghị quốc tế, tiêu biểu: Carnaval Hạ Long tổ chức hằng năm; Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17, gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF; cuộc thi Hoa hậu biển đảo Việt Nam 2022; chuỗi các hoạt động thể thao văn hóa, nghệ thuật...
Đặc biệt, Hội chợ OCOP cũng đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân, du khách tham quan, mua sắm. Mới đây, ngày 29/9, tại TP Móng Cái, tỉnh tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2023. Hội chợ diễn ra hết ngày 3/9/2023. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại thường niên thuộc chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Quảng Ninh; một trong nhiều sự kiện chào mừng Quốc khánh 2/9, gắn với chuỗi hoạt động kỷ niệm chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023). Với quy mô trên 200 gian hàng, Hội chợ là cơ hội để các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền, địa phương đến đông đảo người dân, du khách. Đây còn là điểm hẹn lý tưởng để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của du khách và nhân dân khi đến Quảng Ninh...
Tỉnh cũng tăng cường đón và tổ chức các đoàn du lịch tìm hiểu (Famtrip), du lịch báo chí (Presstrip) quốc tế đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại tỉnh; xây dựng các ấn phẩm bằng nhiều ngôn ngữ nhằm quảng bá về văn hóa, du lịch của tỉnh để phát trên các phương tiện vận chuyển, nhà ga, chuyến bay trong nước và quốc tế...
Cùng với đó, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên du lịch cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Ngoài việc kết hợp với các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành mở các lớp đào tạo về du lịch, hằng năm, ngành Du lịch phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các cán bộ, nhân viên làm du lịch...
Tại văn bản số 67/TB-VPCP (ngày 7/3/2023) Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 12/2/2023, trong đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Quảng Ninh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tầm cỡ quốc tế, xây dựng cung thể thao hiện đại, xứng tầm khu vực như đã được quy hoạch; tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; tuyến đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả kết nối với huyện Vân Đồn; hạ tầng cửa khẩu, biển giới... Đồng thời, đẩy nhanh, tăng quy mô đầu tư cảng Vạn Ninh Móng Cái bằng hình thức PPP; xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam...
Bám sát chỉ đạo trên, Quảng Ninh tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp chiến lược phát triển kinh tế, đưa du lịch bứt phá mạnh mẽ hơn, tương xứng với vị thế và tiềm năng của một trung tâm du lịch lớn của cả nước. Trong đó, đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, liên kết giữa ngành du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch gắn với phát triển xanh, bền vững. Tỉnh quan tâm giải pháp quản lý điểm đến, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế tài nguyên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giải trí... Từ đó, tiếp tục góp phần xây dựng du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo hướng ‘‘Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh - Điểm đến an toàn - Người dân thân thiện’’ và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW (ngày 16/1/2017) của Bộ Chính trị.
Từ chủ trương đến thực tiễn trong phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh cụ thể hóa bằng những cách làm sáng tạo, tạo nên những thành tựu đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong 8 tháng năm 2023, Quảng Ninh đón khoảng 12,06 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 1,47 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 874 nghìn lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 23.986 tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 18,1% cùng kỳ năm 2022; chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng 2,42%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()