Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:55 (GMT +7)
Đưa đất đá thải mỏ tiếp cận các dự án
Thứ 4, 05/07/2023 | 14:19:33 [GMT +7] A A
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp cho các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn, thời gian gần đây, tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lên phương án sử dụng đất, đá thải mỏ làm vật liệu san lấp giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, việc khai thác đất đá thải mỏ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cấp phép gia hạn, trong khi đó một số doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tiếp cận sử dụng nguồn vật liệu mới này...
Tháng 11/2022, TKV chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai) cung cấp đất đá thải phục vụ một số dự án: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than. Tổng khối lượng đất đá thải mỏ Suối Lại 3,5 triệu m³, thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022. Tính riêng năm 2022, TKV mới khai thác được hơn 16.000m³ đát đá thải tại khu vực mỏ Suối Lại. Trước đó tháng 10/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 5526/BTNMT-ĐCKS thống nhất chủ trương để UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét khai thác, sử dụng đất đá tại bãi thải mỏ Núi Béo với trữ lượng khoảng 700.000m³ làm vật liệu san lấp mặt bằng cho dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả (giai đoạn 1). Như vậy, Núi Béo và Suối Lại là hai mỏ đầu tiên của TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác đất đá thải mỏ.
Hiện nay, TKV đang giao cho Công ty Chế biến than Quảng Ninh khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Tuy nhiên, việc khai thác đất đá thải mỏ Suối Lại đang phải tạm dừng do hết giấy phép khai thác. Để xin gia hạn, TKV và Công ty Than Hòn Gai phải thực hiện xong Đề án đóng cửa mỏ, hoàn nguyên môi trường, tuy nhiên dự kiến cuối năm 2023, TKV mới hoàn thành Đề án đóng cửa mỏ Suối Lại.
Ông Đinh Nguyễn Tú Anh, Phó Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh, cho biết: Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cẩm Phả và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hạ Long đã đăng ký nhu cầu sử dụng 900.000m³ đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án. Tuy nhiên, việc gia hạn khai thác đất đá thải mỏ Suối Lại và xin cấp phép thêm mỏ Đông Cao Sơn - Nam Quảng Lợi vẫn đang chờ các thủ tục theo quy định. Bởi vậy trong năm 2023, đơn vị sẽ khó cung cấp đủ sản lượng đất đá thải phục vụ một số dự án trên địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả.
Mặc dù hiện nay, thủ tục xin khai thác các mỏ đất, đá thải mỏ đã thuận lợi hơn nhưng vướng mắc lớn nhất là cung đường vận chuyển, khiến giá thành cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn có tâm lý chờ đợi xin khai thác các mỏ đất, đá tự nhiên vì dễ khai thác, cung đường vận chuyển thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế chung, một số dự án, nhất là dự án đầu tư bất động sản chưa triển khai vì vậy nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng giảm đáng kể.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trung bình mỗi năm lượng đất đá bốc xúc, đổ thải của các đơn vị ngành Than đạt trên 150 triệu m³. Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua, tính riêng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã bốc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³. Việc xử lý các bãi thải này mỗi năm tốn cả nghìn tỷ đồng, chưa kể ô nhiễm, nguy cơ gây sạt lở vào mỗi mùa mưa lũ. Theo tính toán, nhu cầu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng tại Quảng Ninh đến năm 2030 cần trên 1,05 tỷ m³, cụ thể giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần khoảng 566 triệu m³; từ năm 2026-2030 cần gần 490 triệu m³. Trong khi đó, đến năm 2030, cả tỉnh có 79 mỏ đất đồi đã được phê duyệt, với tổng trữ lượng có thể khai thác trên 250 triệu m³ (đáp ứng khoảng 25% nhu cầu sử dụng).
Để tháo gỡ khó khăn, nhất là khâu vận chuyển, tỉnh Quảng Ninh đề nghị các bên tính toán, nghiên cứu xây dựng đơn giá, phương án vận chuyển phù hợp, hiệu quả nhất; nạo vét luồng tuyến sông Diễn Vọng đoạn từ cảng Làng Khánh ra vịnh Cửa Lục và các thủ tục cấp phép bến cảng tạm tại các dự án. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống. Đồng thời, tiếp tục bám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện quy trình thủ tục cấp phép khai thác các khu vực bãi thải mỏ; trọng tâm là đề xuất tăng cường phân cấp và sửa đổi một số nội dung trong Luật Khoáng sản để giảm thiểu các thủ tục hành chính, thời gian cấp phép khai thác các bãi thải mỏ.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()