Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:54 (GMT +7)
Công tác cải cách hành chính: Không có điểm dừng
Thứ 4, 27/12/2023 | 10:31:47 [GMT +7] A A
Sau 1 thập niên kiên trì xác định CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền địa phương và của cả hệ thống chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều đột phá trong CCHC. Tỉnh đang tiếp tục tập trung các giải pháp để đưa công tác CCHC phát triển lên tầm cao mới.
Thời gian qua, Quảng Ninh đẩy mạnh CCHC, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó từng bước xây dựng nền hành chính tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Tỉnh luôn xác định CCHC là mục tiêu, động lực để phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cơ sở, góp phần giữ vững sự ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến nay thời gian giải quyết TTHC ở tỉnh được cắt giảm từ 40-60% so với quy định của Trung ương. Đặc biệt, một số thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động thu hút đầu tư, như chấp thuận chủ trương, phê duyệt địa điểm đầu tư... được cắt giảm trên 70% thời gian, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Hiện 100% TTHC ở cấp tỉnh đủ điều kiện (1.367 thủ tục) đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 908 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Điều đặc biệt, quy trình 5 bước trên môi trường điện tử gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết TTHC không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian giao dịch, tối ưu hóa quy trình này theo hướng thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, mà còn tạo sự công khai, minh bạch trong cơ chế kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hiện tượng quan liêu nhũng nhiễu trong một bộ phận CBCC khi giải quyết TTHC. Từ đó xây dựng nền hành chính có năng lực kiến tạo môi trường thông thoáng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương.
Những đột phá về CCHC được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành ngôi sao chuyển đổi số của cả nước. Năm 2022 lần thứ hai Quảng Ninh đạt vị trí dẫn đầu toàn quốc cả 4 Chỉ số PCI, SIPAS, PAR-Index, PAPI; trong đó 4 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019-2022), 4 năm dẫn đầu Chỉ số PAR-Index (2018-2020 và 2022), 2 năm dẫn đầu Chỉ số PAPI.
Đặc biệt, trong CCHC tỉnh chú trọng rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, chuẩn hóa các TTHC liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiêu biểu, sự kiện tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 2 dự án mới cho đại diện Tập đoàn Foxconn chỉ sau 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của tỉnh (tháng 6/2023), rút ngắn 14 ngày làm việc so với quy định về giải quyết TTHC trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Trước đó, năm 2019 Tập đoàn Foxconn chính thức triển khai dự án đầu tư đầu tiên tại Quảng Ninh với nhà máy S-Việt Nam, sản xuất module màn hình tinh thể lỏng và bảng mạch điện tử, tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư hơn 137 triệu USD. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Foxconn có 3 dự án tại tỉnh, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 383 triệu USD, chiếm khoảng 1/10 quy mô đầu tư của Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam.
Tập đoàn Jinko Solar (sản xuất tấm quang năng tiên tiến và lớn bậc nhất thế giới) cũng tin tưởng lựa chọn Quảng Ninh để đầu tư thêm dự án mới tại KCN Cảng biển Hải Hà, nâng tổng vốn đầu tư tại Quảng Ninh lên trên 2,5 tỷ USD với 3 dự án. Đây chính là minh chứng cho thấy hiệu quả CCHC, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thông thoáng, thuận lợi của tỉnh thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng công tác CCHC của tỉnh vẫn còn có những hạn chế, như: Việc chỉ đạo, điều hành ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương có việc, có thời điểm chưa quyết liệt; TTHC mới cắt giảm thời gian giải quyết, chưa đơn giản hóa nhiều quy trình, nhất là quy trình nội bộ; chất lượng cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử ở một số sở, ngành, địa phương chưa cao; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công, thanh toán trực tuyến còn hạn chế; sự phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết, xử lý một số thủ tục còn chưa kịp thời; việc triển khai một số dự án liên quan đến nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là nâng cấp cổng dịch vụ công của tỉnh, còn chậm so với yêu cầu.
Để khắc phục những hạn chế này, với quan điểm cải cách không có điểm dừng, quyết tâm mang đến cho người dân, doanh nghiệp môi trường hành chính tốt nhất, các cấp, các ngành của tỉnh đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp trên yêu cầu thực tế. Trong đó tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; rà soát, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm tối đa thời gian, nhất là quy trình, TTHC nội bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh quán triệt không ban hành quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian trái quy định hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp CCHC gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số toàn diện, trong đó cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng CNTT là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính...
Đặc biệt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC theo đúng kế hoạch đã ban hành, quyết tâm giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc 4 chỉ số PCI, PAR-Index, SIPAS, PAPI. Trong đó cần khắc phục tình trạng chậm, muộn TTHC, nếu quá hạn hồ sơ phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp; tiếp tục khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến; tăng cường gặp mặt, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, động viên doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cải cách chế độ công vụ; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả; rà soát các quy định đã ban hành của tỉnh, đảm bảo không gây chồng chéo, bất cập trong triển khai các nhiệm vụ.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()