Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:37 (GMT +7)
Đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột chính
Thứ 2, 12/10/2020 | 11:04:55 [GMT +7] A A
Công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng, động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định đẩy mạnh phát triển công nghiệp CBCT trở thành một trong 3 trụ cột chính ngành công nghiệp, động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam đầu tư nhà máy tại KCN Đông Mai, đi vào vận hành từ tháng 6/2020. |
Từ nền tảng vững chắc
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", xác định giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, có tác động lớn đến môi trường, thúc đẩy các ngành có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện với môi trường. Song song với đó là đẩy mạnh thực hiện các đột phá về hạ tầng giao thông; cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng, chuyển dịch tích cực cơ cấu lao động theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...
Những nền tảng quan trọng đó đã tác động, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp CBCT của tỉnh, đưa CBCT trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát làm suy giảm sự phát triển của các ngành kinh tế, ngành công nghiệp CBCT trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng cao, tiếp tục làm động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Theo thống kê, ngành công nghiệp CBCT của tỉnh, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 là 12,5%/năm; đến năm 2020 quy mô đạt trên 20.300 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010; chỉ số sản xuất (IIP) ước đạt 10,07% (năm 2010 là -5,65%); số doanh nghiệp bình quân tăng 11,2%/năm. Đến nay, toàn tỉnh có 841 doanh nghiệp CBCT (chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp), tăng 550 doanh nghiệp so với năm 2010; tổng nguồn vốn đầu tư đạt 68.997 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp, 13,3% tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh (giai đoạn 2012-2014 có số vốn đầu tư tăng mạnh nhất, trung bình đạt 9.100 tỷ đồng/năm). Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch rõ nét; trong đó giá trị tăng thêm ngành công nghiệp CBCT tăng dần tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh, từ 6,7% (năm 2010) tăng lên 9,6% (năm 2020).
Một số lĩnh vực CBCT có nhiều lợi thế của tỉnh, như: Dệt may, chế biến thực phẩm, cơ khí, chế biến vật liệu xây dựng... đang phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường; từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường. Các dự án CBCT trong khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm, đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Tập đoàn Thành Công khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long). Ảnh: Đỗ Phương |
Động lực dẫn dắt tăng trưởng
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp CBCT, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường, khu vực công nghiệp thông minh có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại tạo đột phá đóng góp vào GRDP và thu ngân sách.
Tại kỳ họp đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV bàn về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp CBCT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thống nhất, quyết tâm đưa ngành công nghiệp CBCT trở thành một trong 3 trụ cột chính ngành công nghiệp của tỉnh. Đây là chủ trương, quyết sách đúng đắn, sẽ tạo động lực mới, mở ra một thời kỳ phát triển mới, đột phá của tỉnh
Phát biểu tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV, lần thứ 2, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Quan điểm, định hướng phát triển là phát triển nhanh, bền vững công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh và ở vùng, địa phương, KKT, KCN, đặc biệt là các cơ chế ưu đãi trong các KKT để phát triển KCN và dự án công nghiệp CBCT.
Tỉnh ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp CBCT công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Kết hợp chặt chẽ phát triển nhanh, bền vững công nghiệp CBCT với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa.
Cùng đó, phát triển công nghiệp CBCT gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tỉnh nghiên cứu các cơ chế, chính sách đủ mạnh thuộc thẩm quyền trong việc thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp CBCT gắn với tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số thông qua Trường Đại học Hạ Long và Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn, các cơ sở dạy nghề chất lượng cao.
Quảng Ninh định hướng phát triển ngành nghề sẽ tập trung lĩnh vực công nghiệp ôtô, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp y dược, công nghiệp thời trang, chế biến sâu sản phẩm gỗ, thủy sản...
Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định phải đạt được 3 đột phá trong phát triển công nghiệp CBCT: Thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng; tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số. 4 giải pháp cốt lõi: Quy hoạch mặt bằng sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; nguồn nhân lực sẵn có, dễ tiếp cận; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; môi trường sống an ninh, an toàn, văn minh, thân thiện. Đây được xem là cú huých để ngành công nghiệp CBCT bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thu Chung
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()