Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 03:33 (GMT +7)
Dự thảo mới nhất về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Thứ 4, 22/03/2023 | 16:44:00 [GMT +7] A A
Bộ Nội vụ đã gửi sở nội vụ các địa phương dự thảo lần hai nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Phát huy dám nghĩ, dám làm
Theo dự thảo, khuyến khích là tin tưởng, tôn trọng, ghi nhận, động viên, khích lệ, tạo động lực, nguồn lực, điều kiện, môi trường để cán bộ chủ động, tích cực đổi mới, sáng tạo cống hiến vì lợi ích chung.
Còn cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá là cán bộ có tư duy, cách làm mới, dám đi đầu làm những việc mới, việc khó, phức tạp, chưa có quy định.
Hoặc có quy định nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ trong cơ chế, chính sách, không phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ phải bảo đảm các nguyên tắc, trong đó khuyến khích mọi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Những cán bộ dám nghĩ, dám làm được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện, nhưng khi thực hiện xảy ra thiệt hại, cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại.
Khi triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch hoặc đề án đã được chấp thuận có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì miễn xử lý theo quy định tại nghị định.
Cán bộ lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm...
Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Dự thảo nêu rõ với những cán bộ này khi có đề xuất đổi mới, kế hoạch hoặc đề án được phê duyệt, triển khai thực hiện tạo chuyển biến, tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao thì được khuyến khích bằng các hình thức:
Được tuyên dương, biểu dương và khen thưởng theo quy định. Trong đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm, được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Được ưu tiên, tạo điều kiện trong đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách khác đối với cán bộ. Được quy hoạch, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn vị trí đang đảm nhiệm hoặc bổ nhiệm, quy hoạch vượt cấp...
Các cán bộ cũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.
Trường hợp bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm thì tùy theo tính chất, mức độ, người gây cản trở, gây khó khăn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thực hiện đề xuất đã được cấp có thẩm quyền quyết định cho thực hiện, thực hiện thí điểm nhưng không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại được miễn xử lý trách nhiệm kỷ luật Đảng và xử lý trách nhiệm trước pháp luật khi thuộc một trong các trường hợp như:
Cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật dân sự, bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất.
Cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hai xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại...
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết sẽ tổ chức hội thảo trong thời gian tới để lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo nghị định. Theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 4-2023 phải hoàn thiện dự thảo nghị định để trình.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()