Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 07:09 (GMT +7)
Dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm
Thứ 4, 19/06/2024 | 15:16:23 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, các bệnh lý không lây nhiễm (KLN), như: Tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường và các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa (thừa cân, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá)... ngày càng có xu hướng gia tăng. Đây là những bệnh lý có biểu hiện âm thầm, ít đau đớn cấp tính, nhưng lại có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao.
Theo Bộ Y tế ước tính, mỗi năm, tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh KLN chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Do đó, việc tăng cường dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị tốt bệnh KLN là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giúp người bệnh giảm các biến chứng nặng, qua đó tiết kiệm chi phí trong điều trị.
Để giúp người dân kịp thời phát hiện bệnh KLN trong cộng đồng, những năm qua, ngành y tế Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 155/QĐ-TTg (29/1/2022) của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, ngành y tế tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị, chăm sóc người bệnh KLN và rối loạn tâm thần. Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh tổ chức triển khai các dịch vụ kiểm tra sức khỏe, đánh giá nguy cơ, phát hiện sớm người có biểu hiện bệnh lý tim mạch (tiền tăng huyết áp, tăng huyết áp); rối loạn đường huyết, tiền đái tháo đường, đái tháo đường để được tư vấn điều trị bệnh sớm; thường xuyên tổ chức các hoạt động khám sàng lọc cơ hội khi người dân đến sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế; đồng thời tổ chức các chương trình sàng lọc, khám, kiểm tra sức khỏe tại cộng đồng. Qua đó, những trường hợp có các yếu tố nguy cơ, có biểu hiện bệnh đều được bác sĩ lập hồ sơ theo dõi, quản lý điều trị tại các tuyến theo quy định.
Ở các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế, công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn và điều trị bệnh KLN cũng được triển khai hằng ngày. Từ năm 2014, Bệnh viện Bãi Cháy đã được đầu tư xây dựng Trung tâm Ung bướu, với chức năng khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các bệnh ung thư. Từ năm 2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Trung tâm can thiệp và phẫu thuật tim mạch; đồng thời mở riêng 1 phòng khám cho lĩnh vực tim mạch, trong đó quản lý điều trị trên 3.000 bệnh nhân tim mạch.
Các bệnh viện chuyên khoa, như Bệnh viện Phổi Quảng Ninh và Bảo vệ sức khỏe tâm thần cũng tăng cường công tác sàng lọc, phát hiện sớm để điều trị hiệu quả các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, rối loạn tâm thần. Các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh đều được đầu tư đầy đủ trang thiết bị chuyên sâu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh KLN và rối loạn sức khỏe tâm thần. Hầu hết các trạm y tế được trang bị đầy đủ máy đo huyết áp, máy thử đường huyết mao mạch, máy đo điện tim, cân, thước đo các chỉ số nhân trắc... để bác sĩ có đầy đủ thiết bị khám bệnh và quản lý sức khỏe ban đầu cho người dân.
Ngành y tế thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn của các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã trong hoạt động phòng, chống bệnh KLN; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong phòng, chống bệnh KLN; xây dựng trang thông tin điện tử về sức khỏe và các phần mềm, ứng dụng trên điện thoại để giao tiếp, kết nối với người dân, người bệnh, chia sẻ thông tin, cảnh báo sức khỏe, nhắc lịch khám định kỳ cho bệnh nhân thuộc nhóm bệnh KLN, nhắc uống thuốc...
Bác sĩ Đỗ Thị Mai Liên (Trưởng khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với tuyến trung ương và các đơn vị y tế tuyến tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý bệnh KLN ở y tế cơ sở; phối hợp tổ chức hoạt động khám sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư vú... tại cộng đồng. Riêng với bệnh lý tăng huyết áp, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 60.000 người mắc bệnh tăng huyết áp; trong đó gần 50.000 người được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế. Cùng với đó, số người dân mắc các bệnh KLN khác đều được quản lý, theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế tăng hằng năm. Nhờ công tác truyền thông nên người dân hiểu hơn về lợi ích điều trị thường xuyên.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()