Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:30 (GMT +7)
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Thứ 5, 11/08/2022 | 14:19:57 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự vào cuộc của cả cộng đồng, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai toàn diện Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện nay, tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Qua nghiên cứu của WHO trên 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV không được can thiệp cho thấy, 9 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai, 17 trẻ bị nhiễm trong giai đoạn chuyển dạ và 10 trẻ bị nhiễm HIV trong giai đoạn bú mẹ. Điều này có nghĩa, cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 36 trẻ bị lây nhiễm.
Để giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thì can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là biện pháp hiệu quả. Trong đó, việc xét nghiệm HIV sớm và điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút (ARV) là yếu tố then chốt có tính chất quyết định. Ngay cả khi bố mẹ đều nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không nhiễm HIV, nếu người mẹ được dùng thuốc ARV sớm và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (CDC Quảng Ninh), khi không có can thiệp nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con lên tới 40%. Tuy nhiên, nếu được dự phòng tích cực cho mẹ và con, tỷ lệ này có thể dưới 2%.
Bằng nguồn kinh phí từ sự nghiệp y tế, phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí tại các trạm y tế, trung tâm y tế, từ đó giúp phát hiện và điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV được hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu và chuyển tiếp đến cơ sở sản khoa để theo dõi, quản lý thai nghén, nhằm làm giảm xuống mức thấp nhất tỉ lệ trẻ bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu cho biết: Phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai. Phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt để biết được tình trạng nhiễm HIV và kịp thời điều trị ARV nếu dương tính với HIV. Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần tuân thủ điều trị ARV, xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình dưới 200 bản sao, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con. Nên sinh đẻ ở những cơ sở có triển khai chương trình dự phòng lây truyền mẹ con để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của bác sĩ đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho mẹ và con.
Mặc dù sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh, giúp trẻ có sức đề kháng chống lại nhiều căn bệnh, nhưng đối với trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì để đảm bảo an toàn các tổ chức y tế khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa thay thế hoàn toàn. Vì mẹ nhiễm HIV cho con bú là một trong những con đường lây truyền mầm bệnh từ mẹ sang con. Nguyên nhân lây nhiễm HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn cho con bú được xác định là trong sữa mẹ bị nhiễm HIV cũng có chứa vi rút HIV. Thời gian trẻ bú sữa mẹ càng dài thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao.
Tại Quảng Ninh, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được uống thuốc dự phòng phơi nhiễm với HIV, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ dưới 18 tháng tuổi và cấp sữa ăn thay thế cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi. Đồng thời, các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh, xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV chủ động tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhằm ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV từ mẹ.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()