Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 11:58 (GMT +7)
Du lịch - văn hóa: Khi “hai trong một”
Thứ 6, 03/09/2021 | 09:22:12 [GMT +7] A A
Du lịch không chỉ là đi chơi mà còn là trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm giá trị văn hoá các vùng, miền. Xu hướng du lịch chậm, có hàm lượng văn hoá cao đã thay thế dần một thời chưa xa khi mà các tour du lịch cứ "lùa" khách ào ào qua các điểm đến, tới mức khách ăn cũng mê mẩn, ngủ cũng vội vàng…
Lợi thế riêng về các giá trị văn hoá
Tôi vẫn nhớ câu chuyện kể của ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam - VICA, về những món hải sản mà ông được thưởng thức từ cách đây 30 năm, khi ông về thăm Quảng Ninh lần đầu tiên. Đó là hương vị món mực chiên bơ, cá lạp xạp, sá sùng nấu lá lốt…, đã lưu giữ trong ông một ký ức tuyệt vời về Vùng mỏ.
Dịp cuối năm ngoái, khi đến với Bình Liêu, ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, đã vô cùng thích thú khi trải nghiệm các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây. Ông chơi ném còn trên các thửa ruộng bậc thang, đi bộ trên đường đất, uống rượu, dự đám cưới của một cặp đôi người Sán Chỉ… Khi trải nghiệm tại Yên Tử (Uông Bí), ông lại ấn tượng bởi một địa danh đẹp được bao quanh bởi các ngọn núi cũng như lễ hội mùa thu nơi đây. Những trải nghiệm ấy đọng lại trong ông ký ức đẹp đẽ về những vùng đất, về những giá trị văn hoá của con người nơi đây.
Ông từng bày tỏ sau chuyến đi: "Khách du lịch đến với Bình Liêu sẽ được trải nghiệm những gì mà người dân nơi đây muốn cho khách du lịch trải nghiệm chứ không phải khách du lịch đến và làm thay đổi Bình Liêu. Với cách làm du lịch như vậy, Bình Liêu có thể bảo tồn được nét đẹp tự nhiên và văn hoá của người dân bản địa, chứ không bị mai một đi… Tôi cũng rất ấn tượng bởi nhận thấy Yên Tử chứa đựng những giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, gắn liền với nhiều giá trị mà UNESCO đã và đang thúc đẩy, đó là giá trị về hòa bình, nhân văn và lòng bao dung, nhất là những giáo lý, triết lý nhân sinh của ngài dành cho cộng đồng về tình đoàn kết dân tộc, rất thiết thực trong xã hội chúng ta hôm nay. Tôi cho rằng đó là những giá trị Việt Nam cần gìn giữ và phát huy, vì đây là một di sản không phải nơi đâu cũng có được”.
Chia sẻ thêm, ông cho hay, trong xu thế hiện nay, khi mà khách du lịch trong nước và quốc tế đang chú ý nhiều đến du lịch trải nghiệm, du lịch hướng tới sự dân dã chứ không phải những dịch vụ sang trọng, đắt tiền, thì những điểm du lịch đến với các di sản như ở Bình Liêu, Yên Tử của Quảng Ninh là các điểm đến vô cùng hấp dẫn, đặc biệt với khách du lịch quốc tế.
Quảng Ninh không chỉ có các giá trị thiên nhiên mà còn sở hữu các giá trị văn hoá đáng quý, đó chính là hệ thống di tích, danh thắng phong phú, con người thân thiện, hào sảng, ẩm thực vùng miền đặc sắc, văn hoá riêng vùng biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Khai thác dưới góc độ du lịch, các giá trị văn hoá này có nhiều lợi thế riêng.
Như với ẩm thực, ông Nguyễn Thường Quân từng bày tỏ sự tin tưởng rằng, ẩm thực Quảng Ninh sẽ làm cho người ta yêu và trân trọng. Hải sản tươi, sử dụng nguyên liệu có văn hoá, gắn câu chuyện của món ăn với bản sắc văn hoá, đời sống sinh hoạt người dân từng vùng, miền, sẽ là những câu chuyện gây thương nhớ cho du khách. Đó không chỉ còn là việc ăn uống, mà cao hơn là nhu cầu về sự khám phá, trải nghiệm. Vậy nên, việc kết hợp khai thác ẩm thực địa phương trong việc xây dựng các tour du lịch là rất cần thiết. Ở đó, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực có sự sáng tạo để du khách có những trải nghiệm thú vị.
Người dân làm du lịch văn hoá trên mảnh đất quê hương
Nói du lịch gắn với văn hoá cũng đồng nghĩa với khai thác các giá trị văn hoá của cộng đồng dân cư nơi phát triển du lịch. Cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch. Ở Quảng Ninh thì mô hình du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều) được xem là đã giải quyết hài hoà, hiệu quả nhất mối quan hệ này.
Chị Dương Thị Mến, Phó Giám đốc Khu du lịch làng quê Yên Đức, là một người dân của vùng quê này, từng chia sẻ với chúng tôi rằng: Du lịch gắn với người dân, đi đến đâu là người dân được hưởng lợi đến đó. Như các khu múa rối nước trong Khu du lịch Yên Đức đều là của người dân, bà con nhượng đất lại cho doanh nghiệp rồi nhưng vẫn được lao động, cấy hái tại đây. Hay ngôi nhà cổ gần 200 năm của bà con, đến đấy du khách được giao lưu với người dân, doanh nghiệp chia sẻ lợi ích cho bà con, họ được hưởng trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Cùng với giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động của làng, thì còn có lợi ích chung nữa, đó là môi trường chung mà nhìn thấy rõ nhất là đường làng lúc nào cũng được quét dọn sạch sẽ.
Du lịch đi đến đâu, làng quê sáng đến đó. Bà con Yên Đức nói chung, hai thôn làm du lịch là Yên Khánh, Đồn Sơn nói riêng, đều nhận thấy, du lịch đến đây, người ta không phá vỡ không gian làng quê, mà ngược lại tôn tạo, giữ gìn. Như múa rối nước, môn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam được đưa vào đây vừa vui tươi, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng chia sẻ với cộng đồng trong các hoạt động an sinh xã hội giống như một thành viên ở đây, như hát tặng đám cưới bằng các làn điệu dân ca, hát chèo, tham gia biểu diễn khi tổ chức Trung thu, biểu diễn văn nghệ trong lễ mừng thọ của xã hằng năm…
Như vậy là môi trường du lịch làng quê của Yên Đức rất mở, giống như cái tên của nó khi mà người dân, các nhân viên cùng làm du lịch. Hoạt động du lịch nơi đây không chỉ gói gọn ở các điểm du lịch, mà đơn vị đầu tư mà mở rộng bao gồm cả các hoạt động trên địa bàn xã.
Gắn kết trách nhiệm, chia sẻ lợi ích
Du lịch làng quê Yên Đức có thể xem là một mô hình du lịch văn hoá thành công nhất ở Quảng Ninh đến nay, khi khai thác các giá trị văn hoá làng quê dựa trên những giá trị của cộng đồng, hài hoà, bổ sung, nhưng không làm mất đi những giá trị đẹp vốn có của cộng đồng. Bức tranh một vùng thôn quê Việt đẹp thơ mộng vẫn còn đó và hoạt động du lịch ngày càng gắn kết như một bộ phận không tách rời tại đây. Điều này có được không phải ngẫu nhiên, mà xuất phát từ cái nhìn chiến lược trong định hướng phát triển của Tổng Công ty CP Du lịch Sen Á Đông.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc đơn vị, cho hay: Trong suốt quá trình phát triển của đơn vị, chúng tôi nhận thấy là du khách ngày càng có xu hướng tìm đến các sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm gắn với văn hóa bản địa. Vì vậy, chúng tôi đặt vấn đề xuyên suốt trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm của đơn vị sẽ đem yếu tố văn hóa đến giới thiệu tới du khách. Một trong những thách thức của chúng tôi là đem kiến thức tạo ra văn hóa trong sản phẩm của mình, vì văn hóa trong cộng đồng đó rất quan trọng. Những sản phẩm du lịch cộng đồng thì dịch vụ chỉ là phương tiện để người ta đến, tiếp cận với văn hóa, cuộc sống của người dân mà thôi…
Cách đầu tư vào các giá trị văn hoá trong cộng đồng mà không làm mất đi những giá trị nguyên gốc quý giá, nguyên sơ của nó; cách đầu tư vào con người để người dân trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch văn hoá là hướng đi giúp phát triển du lịch bền vững. Quảng Ninh không chỉ có một Yên Đức, mà còn những làng văn hoá giàu có về tiềm năng khác. Nhiều điểm đã, đang nằm trong đề án về phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh, của các địa phương ở Hạ Long, Quảng Yên, Đông Triều, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái, các vùng biển đảo của Vân Đồn, Cô Tô... Thêm một điểm cộng là bên cạnh các giá trị văn hoá thì những khu vực này đa phần có khung cảnh tự nhiên “sơn thuỷ hữu tình” càng gia tăng giá trị hấp dẫn khi đầu tư cho du lịch.
Không phải chưa có những thử nghiệm mới, như tại Bình Liêu với các dịch vụ homestay, cắm trại, khám phá các giá trị thiên nhiên, văn hoá của mảnh đất biên giới. Còn tại các vùng biển đảo là những dịch vụ trải nghiệm làm ngư dân, tổ chức cho du khách kéo lưới, câu cá, mực... Ở Quảng Yên là tham quan làng nghề, đi thuyền trên sông, trải nghiệm đan lờ, nghe hát chầu văn ở đình, chùa và những trò chơi dân gian, đồng quê…
Thấp thoáng đã có những điểm sáng, nếu có thêm thời gian, có thêm sự đầu tư, không thể không nghĩ tới cơ hội phát triển xứng tầm hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào vùng du lịch, thu hẹp khoảng cách vùng, miền giữa đồng bằng và vùng cao, vùng sâu xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, khi trò chuyện cùng chúng tôi, từng nhấn mạnh: Trong 4 trụ cột của du lịch Quảng Ninh thì du lịch cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Nó giúp phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới. Nó cũng giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Muốn du lịch cộng đồng phát triển hiệu quả thì phải tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp và những người làm du lịch cộng đồng. Chỉ khi có sự tham gia của người dân trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích, trách nhiệm thì du lịch cộng đồng mới có thể phát triển bền vững được.
Giải bài toán phát triển bền vững hậu Covid-19
Những năm qua, du lịch Quảng Ninh phát triển mạnh (không kể 2 năm nay bị chững lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19), đặc biệt về lượng, cơ sở vật chất hạ tầng, dịch vụ rất tốt, đã thu hút lượng khách càng ngày cao, đem lại lợi ích không nhỏ cho tỉnh cũng như các doanh nghiệp, người dân nói chung.
Bên cạnh đó, du lịch phát triển cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết các vấn đề về môi trường sinh thái hay các vấn đề mang tính chất văn hóa. Ở Quảng Ninh, vào giai đoạn thịnh vượng của du lịch trước Covid-19, các chuyên gia đều khuyến cáo chúng ta tập trung khai thác quá mức đối với Vịnh Hạ Long, đối với TP Hạ Long. Mở rộng không gian du lịch ra các vùng, miền, giảm tải cho Hạ Long thì du lịch văn hoá chính là một giải pháp phù hợp, khả thi. Ai cũng biết, du lịch văn hoá cộng đồng cần nhiều “chất xám” khi đầu tư hơn, lợi nhuận thu về cũng không nhanh bằng, không lớn bằng các loại hình du lịch khác, nhưng sự phát triển bền vững và các giá trị dân sinh đem lại thì cao hơn.
Không chỉ trên thế giới hay trong nước mà ở Quảng Ninh, ngay từ trước đại dịch Covid-19 thì xu hướng dịch chuyển từ du lịch theo chiều rộng đi vào chiều sâu, với yêu cầu đưa vào nhiều hơn hàm lượng văn hoá trong các sản phẩm du lịch ngày càng cao hơn, thể hiện rõ nét hơn. Nhiều doanh nghiệp du lịch đầu tư chú trọng về chiều sâu giá trị văn hoá của sản phẩm, tạo thương hiệu, nét đặc trưng riêng hơn.
Bên cạnh mô hình du lịch làng quê Yên Đức của Sen Á Đông như đã kể trên, thì ở Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư quần thể Legacy Yên Tử mang phong cách truyền thống độc đáo, từ kiến trúc cho tới các sản phẩm dịch vụ cung cấp tới du khách đều trau chuốt, giàu hàm lượng văn hoá, gắn với quần thể di sản nơi danh thiêng Yên Tử.
Ở Bình Liêu, nhiều homestay như A Dào ở bản Phạt Chỉ, Sông Moóc house (xã Đồng Văn), Hoàng Sằn (xã Hoành Mô) đã tạo được nét riêng từ vị trí, cảnh quan, tới không gian giao tiếp với du khách, giá trị văn hóa được hòa vào các hoạt động. Các homestay này đều được dựng bằng gỗ, tre, nứa, theo đúng mô hình nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Dao. Các giá trị văn hóa địa phương của đồng bào, từ nghệ thuật ẩm thực, đến sự tham gia và tương tác của người dân bản địa với du khách... tạo nên nét đặc sắc, cho du khách những trải nghiệm khó quên…
Sự bùng phát và kéo dài của dịch Covid-19 trong 2 năm nay đã tác động vô cùng nặng nề, thậm chí làm ngưng trệ các hoạt động du lịch. Vào thời điểm khó khăn này lại càng cho thấy, du lịch hậu Covid-19 nếu chỉ phát triển theo chiều rộng càng không thể. Kể cả khi đại dịch được kiểm soát thì nhu cầu du lịch của du khách cũng sẽ thay đổi với những yêu cầu về du lịch chậm, du lịch gắn với những trải nghiệm văn hoá nhiều hơn, sâu hơn, du lịch theo nhóm nhỏ và có tính riêng tư cao hơn… Nắm bắt và đáp ứng tốt điều này thiết nghĩ cũng chính là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, là yếu tố sống còn của du lịch an toàn giai đoạn hậu đại dịch tới đây.
Sự chuyển hướng không chỉ từ việc khai thác những nguồn lợi tự nhiên có sẵn, phong phú của Quảng Ninh sang việc khai thác tài nguyên văn hoá cho du lịch là bài toán không dễ dàng. Bởi thực tế ở Quảng Ninh, những điểm có thể phát triển du lịch văn hoá cộng đồng chủ yếu ở vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo khó khăn, vì thế rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc định hướng phát triển, đầu tư hạ tầng thiết yếu để tạo trợ lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Quá trình phát triển, cùng với đem lại lợi ích cho người dân, thì việc không làm tổn thương đến yếu tố văn hóa truyền thống vùng du lịch cũng là điều vô cùng quan trọng, nhằm giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển hài hòa, hiệu quả nhất.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()