Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:03 (GMT +7)
Du lịch nông nghiệp - hướng đi mới cho người dân nông thôn
Chủ nhật, 12/05/2024 | 06:00:23 [GMT +7] A A
Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch được xây dựng, tổ chức dựa trên hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình trải nghiệm này chủ yếu diễn ra tại nông trại, trang trại hoặc thôn xóm, bản làng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí của du khách. Thời gian qua, loại hình du lịch này đã và đang nở rộ tại nhiều khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, mang lại nhiều giá trị to lớn cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời giúp quảng bá văn hoá, đặc sản địa phương và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Nắm bắt xu thế, tận dụng diện tích đất hiện có, thúc đẩy nông nghiệp bền vững, gia đình ông Vũ Minh Thường, xã Sơn Dương, TP Hạ Long, đã cải tạo khuôn viên, đầu tư một số hạng mục như ao câu cá, nhà chòi, bể bơi, khu ăn uống, phòng nghỉ… để phát triển mô hình du lịch trải nghiệm. Hiện nay, khu du lịch Hoa Quả Viên của gia đình ông đang là điểm đến thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài tỉnh mỗi tháng, đem lại lợi nhuận 100-200 triệu đồng/năm.
Ông Thường cho biết: Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, các nông sản địa phương như gà đồi, ổi Hoành Bồ, bưởi da xanh cũng có được nguồn tiêu thụ ổn định bởi khách du lịch. Gia đình tôi cũng như một số hộ dân khác có nhà vườn trên địa bàn xã Sơn Dương đang tiếp tục bắt tay với nhau để cùng xây dựng các tuyến, điểm du lịch trải nghiệm nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập từ mô hình kinh tế này.
Phát triển du lịch dựa trên khai thác lợi thế sẵn có về cảnh quan, sản vật, giá trị văn hóa cũng là một hướng đi mới nhằm tạo nguồn thu nhập bền vững của cộng đồng người Sán Chỉ, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Đầu năm 2024, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, 6 hộ dân thôn Khe Lục đã xây dựng khu homestay và thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng. Mô hình chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 3 năm nay và thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Sán Chỉ xã Đại Dực. Từ mô hình này, người dân địa phương cũng dần chú trọng hơn đến việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào và phát huy thế mạnh nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Chị Trần Thị Phấu, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên cho biết: Đến đây, du khách sẽ trải nghiệm nấu rượu, quạt thóc, ngâm chân, tắm thuốc và thưởng thức các món ăn, sản phẩm OCOP tại địa phương và giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc, biểu diễn hát Soóng Cọ, múa Tắc Xình, đánh quay…
Tại các khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh đều có thế mạnh về thiên nhiên, cảnh quan môi trường, khí hậu, cùng với đó là những nét đẹp về văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc được lưu giữ, phát huy. Đây chính là những tiềm năng sẵn có để Quảng Ninh phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái. Hướng đi này cũng góp phần quan trọng phát huy những giá trị văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân bản địa.
Hiện tại, tỉnh cũng đang có chủ trương đẩy mạnh loại hình du lịch này, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông thôn mới bền vững và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Tỉnh cũng đang tập trung đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển nguồn lực du lịch cộng đồng, xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường du lịch. Tuy nhiên, về lâu dài, cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ hơn nữa từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để để loại hình du lịch này ngày càng chuyên nghiệp, bền vững hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()