Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 17/01/2025 02:09 (GMT +7)
Du lịch nội địa thuận lợi phục hồi sau đợt dịch COVID-19
Thứ 4, 14/04/2021 | 14:46:35 [GMT +7] A A
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, hàng chục nghìn du khách đã đặt tour nghỉ đến những điểm đến yêu thích; góp phần tích cực phục hồi du lịch nước nhà sau cuộc khủng hoảng vì COVID-19.
Du khách sẽ đi xuồng ngược sông Nậm Mức để đến hang động Hắt Chuông (tỉnh Điện Biên). (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN) |
Mùa du lịch Hè - cao điểm của du lịch nội địa đang đến rất gần. Đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 sắp tới kéo dài 4 ngày chính là cơ hội tốt cho các đơn vị du lịch lữ hành đón khách.
Đến thời điểm này, hàng chục nghìn du khách đã đặt tour nghỉ đến những điểm đến yêu thích; góp phần tích cực phục hồi du lịch nước nhà sau cuộc khủng hoảng vì COVID-19.
Du khách hào hứng đi du lịch trong nước
Vào tháng 3/2021, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và báo điện tử VnEpress.net đã tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến về nhu cầu đi du lịch của người Việt Nam.
Tổng cộng, hơn 3.500 người đã tham gia khảo sát trực tuyến, nhiều nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Kết quả cho thấy 53,4% người tham gia khảo sát dự định đi nghỉ từ tháng 5-9/2021; có 30,2% đã sẵn sàng du lịch trong tháng 3-4.
Khảo sát cũng cho thấy 10 điểm đến trong nước được du khách yêu thích nhất lần lượt là: Đà Nẵng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lào Cai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Hà Giang và Quảng Nam.
Nghỉ dưỡng biển vẫn là hình thức được du khách ưa thích nhất (chiếm 65,9%), tiếp theo là khám phá ẩm thực, nghỉ dưỡng núi, dã ngoại...; có tới 42,7% người tham gia khảo sát chọn đặt tour, khách sạn… qua nền tảng trực tuyến.
Dịch vụ và điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh là yếu tố quan trọng được hơn 58% người được khảo sát lựa chọn…
Minh chứng rõ nét nhất cho khảo sát này là lượng khách đi nghỉ đợt lễ 30/4 và 1/5 tới đây.
Theo thống kê của nhiều công ty du lịch lớn, công suất khách book tour đã lên đến 50-60%; các tour du lịch ngắn ngày vẫn chiếm ưu thế với những điểm đến như Sa Pa, Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng, Đà Lạt, Côn Đảo...
Theo thống kê của Vietravel, lượng khách đăng ký gói dịch vụ vé máy bay, xe và khách sạn dịp lễ đạt khoảng 60% tổng số gói dịch vụ đơn vị dự kiến phục vụ. Trong đó, khách lẻ và gia đình trẻ tuổi là chủ yếu; nhóm khách hàng trung niên trở lên vẫn ưu tiên lựa chọn tour trọn gói.
Để phục vụ nhu cầu của du khách, công ty cung cấp thêm sản phẩm du lịch bằng xe riêng.
Ngoài ra, tour riêng dành cho nhóm khách gia đình, bạn bè (4-15 người/đoàn) vẫn dựa trên tour truyền thống nhưng đảm bảo yếu tố tự do theo yêu cầu của từng đoàn.
Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết từ đầu tháng 4/2021, phòng nghỉ tại các cơ sở lưu trú trong 4 ngày nghỉ lễ ở Sa Pa đã đạt khoảng 80%. Nhiều cơ sở hết phòng hoàn toàn trong ngày 30/4-1/5...
Trước đây, nhiều khách du lịch lựa chọn tour quốc tế dịp nghỉ lễ, năm nay khách có xu hướng chọn tour trong nước với dịch vụ cao cấp. Đây cũng là cơ hội tốt cho các hãng lữ hành, đơn vị du lịch trong nước đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nội địa.
Việt Nam đã 2 lần phát động kích cầu du lịch với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam - An toàn, hấp dẫn."
Các chương trình đều nhận được sự hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp.
Nhờ vậy, lượng khách nội địa đạt 56 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 312.200 tỷ đồng; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực do dịch COVID-19 với ngành du lịch.
Điều này cũng cho thấy tiềm năng và nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân vẫn còn nhiều dư địa để khai thác.
Theo định hướng chung cho giai đoạn phục hồi 2021-2023, Việt Nam vẫn sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác.
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa cũng là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Tạo tâm lý thoải mái cho du khách
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết qua nhiều đợt dịch, du lịch Việt Nam đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý về tính chủ động để phục hồi. Cụ thể là sau đợt dịch đầu năm 2021, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp đã rất chủ động kích hoạt trở lại hoạt động du lịch trên toàn quốc. Ngành du lịch đã chủ động cung cấp thông tin cho thị trường để du khách có tâm lý thoải mái đi du lịch.
Những yếu tố mới, sản phẩm mới cũng được thông tin đầy đủ, chuyển tải đến thị trường về sự sẵn sàng đón tiếp du khách của ngành với các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. Kết quả là du khách đã hưởng ứng kích cầu nội địa rất tốt.
Du khách đi thuyền tham quan khu du lịch Tràng An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN) |
Theo ông Hà Văn Siêu, phục hồi du lịch sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh cũng cần hiểu thị trường và có chiến lược thực hiện phù hợp, hiệu quả. Với những thị trường có điều kiện, quy mô lớn, cần được hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, công nghệ để phục hồi lại sau dịch. Với những nơi chưa phát triển thì sau dịch COVID -19, cần hỗ trợ để tạo ra cơ hội phát triển mới, trở thành những "ngôi sao mới" của ngành trong tương lai không xa.
Phục hồi du lịch trong bối cảnh tình hình mới chưa cần so sánh về số lượng, nếu đạt được về chất lượng thì đó là tiêu chí tốt nhất.
Trước đây, phục vụ 1 triệu khách thu được 1 triệu USD, nhưng nay phục vụ 500.000 khách cũng đạt doanh thu tương tự thì đó chính là thành công lớn của ngành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định từ trước đến nay, chúng ta vẫn tiến hành làm du lịch nội địa. Trong bối cảnh hiện nay, càng phải tính toán cho hiệu quả, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chia sẻ tốt giữa các điểm đến, doanh nghiệp, đơn vị phục vụ, tạo ra combo sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu du khách. Tiếp đó, phải hướng tới phân khúc thị trường khách khác nhau để phục vụ hiệu quả hơn.
Trước đây, du lịch Việt Nam coi khách nội địa là thị trường lớn nhưng chưa phân loại. Với dòng khách hay đi du lịch nước ngoài trước đây thì nay chính là phân khúc khách cao cấp của thị trường khách nội địa. Chiến lược phát triển du lịch nội địa trong thời gian tới là phân loại thị trường theo nhu cầu và các loại nhu cầu chuyên biệt được đáp ứng tốt nhất.
Từ đó, tổng thu du lịch nội địa sẽ tăng cao, đó chính là mục tiêu của phục hồi du lịch nội địa. Giai đoạn phục hồi nếu số lượng chưa tăng kịp nhưng chất lượng, tổng thu đạt, thì đó chính là thành công lớn của du lịch nội địa.
Năm Du lịch quốc gia 2021 với chủ đề "Hoa Lư - Cố đô ngàn năm" do Ninh Bình đăng cai tổ chức được kỳ vọng sẽ là dấu ấn phát triển mới của du lịch nước ta sau COVID-19.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021 dự kiến diễn ra ngày 20/4 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, mở đầu chuỗi sự kiện, hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử, tài nguyên và sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, góp phần phục hồi, phát triển du lịch cả nước.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng chính Năm Du lịch quốc gia là một dấu hiệu, thời điểm kích hoạt du lịch trở lại, đánh dấu phục hồi du lịch sau COVID-19; mở ra nhiều phương án, dự định cho câu chuyện phát triển du lịch trong thời kỳ mới./.
Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)
Liên kết website
Ý kiến ()