Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:28 (GMT +7)
Cô Tô: Hướng tới nền kinh tế “xanh”, bền vững
Chủ nhật, 24/03/2024 | 10:16:37 [GMT +7] A A
Trong Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch huyện đảo Cô Tô đến năm 2025, huyện Cô Tô xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đảm bảo tính bền vững. Để làm được điều này, những định hướng phát triển “xanh”, có trách nhiệm với môi trường và xã hội chính là “chìa khoá”. Những năm qua, Cô Tô đang ngày càng cho thấy sự đúng hướng trong tầm nhìn và những hành động cụ thể nhằm đặt nền móng bền vững cho sự phát triển trở thành một trọng điểm du lịch trong quần thể Cát Bà - Hạ Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái.
Từ khoá “du lịch Cô Tô” trên công cụ tìm kiếm Google cho ra 77,4 triệu kết quả chỉ trong 0,35 giây. Điều này cho thấy sức nóng của “đảo ngọc Đông Bắc” đã tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Được biết tới là huyện đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 80km, Cô Tô là một quần đảo, bao gồm 74 hòn đảo lớn nhỏ. Vị trí cách xa đất liền là một trở ngại, song cũng là một lợi thế giúp cho Cô Tô giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với những bãi biển trong xanh, môi trường trong lành và hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động vật hoang dã.
Du lịch Cô Tô đã manh nha hình thành từ năm 2009 với hình thức cắm trại, du lịch cộng đồng, đưa du khách ra tham quan đảo theo từng nhóm nhỏ; nhưng phải tới cuối năm 2013, khi điện lưới quốc gia được chính thức đưa ra đảo, du lịch Cô Tô mới thực sự được “thắp sáng”. Lượng khách du lịch đến Cô Tô liên tục tăng trưởng qua từng năm, năm sau bứt phá ngoạn mục hơn năm trước. Cụ thể, trong năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện đảo đã ghi nhận con số ấn tượng, lên tới trên 320.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 2.100 lượt. Doanh thu ước đạt trên 800 tỷ đồng. Du lịch đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo của Cô Tô, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Du lịch - dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế.
“Chìa khoá” để phát triển du lịch
Thời gian qua, cùng với việc phát triển nhanh, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng nhằm tăng tốc du lịch, Cô Tô cũng đặc biệt chú trọng giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển. Ý thức rõ ràng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái chính là lợi thế, nền tảng cũng như vấn đề “sống còn” để phát triển bền vững, chính quyền địa phương và nhân dân huyện đảo luôn kiên định với mục tiêu tăng trưởng xanh. Rất nhiều các hoạt động ý nghĩa nhằm chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường đã được thực hiện một cách thường xuyên và đi vào nền nếp như chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”; phân loại rác thải tại nguồn, ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt… Chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân, thay đổi hành vi, thói quen trong việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên; xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá.
Đặc biệt, Đề án 175 “Huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa” qua gần 2 năm thực hiện đã cho thấy những kết quả hết sức tích cực, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa trên địa bàn huyện. Đề án đã được lan toả sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, từ các tiểu thương cho tới các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các phương tiện vận chuyển khách du lịch cả đường bộ và đường thuỷ trên địa bàn. Túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần từng bước được thay thế bằng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân huỷ hoặc các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần; tiến tới việc “nói không” với rác thải nhựa. Nhờ đó, môi trường và hệ sinh thái biển của khu vực Cô Tô đã được cải thiện rõ rệt, minh chứng bằng việc quay trở lại với số lượng lớn và tần suất dày đặc của nhiều loài động vật như rùa biển, cá voi, cá heo, chim hải âu… Bởi vậy, Đề án 175 của huyện Cô Tô đã tạo nên tiếng vang lớn, trở thành mô hình để các địa phương khác học tập, áp dụng; thu hút được sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước; góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Cô Tô thân thiện, bền vững.
Sự cải thiện rõ rệt về môi trường tự nhiên và thái độ “tuyên chiến” với rác thải nhựa của chính quyền và người dân huyện đảo cũng là một trong những yếu tố giúp du lịch Cô Tô trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với khách du lịch; đặc biệt là phân khúc khách cao cấp, có khả năng chi trả cao. Quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế đã được ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Bảo vệ môi trường luôn được Cô Tô đặt lên hàng đầu, chúng tôi đang kiên định mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Chính vì vậy, để giữ được sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên tạo. Cô Tô đã huy động sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị điều đó đã tạo nên sự thay đổi lớn trong ý thức nhân dân, khẳng định hướng đi đúng đắn của chính quyền địa phương”.
Nền tảng của sự bền vững
Song song với nỗ lực gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên, những năm trở lại đây, chính quyền địa phương còn rất quan tâm tới việc phát triển, bảo tồn văn hoá, coi văn hoá là nền tảng để phát triển bền vững. Theo đó, khi đến với Cô Tô, ngoài việc thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, thưởng thức đặc sản ẩm thực tươi ngon nức tiếng, du khách còn có dịp tìm về những ký ức lịch sử thiêng liêng, hào hùng, đáng nhớ với trận đánh Đồn Cao của Đại đội Ký Con ngày 13/11/1945 hay ngày Bác Hồ tới thăm đảo Cô Tô (9/5/1961), Người đã dặn dò và nhắc nhở nhân dân: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Lễ Thượng cờ Tổ quốc; Lễ dâng hương, dâng hoa tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã trở thành sự kiện độc đáo, tạo nên dấu ấn riêng đặc biệt của Cô Tô trong lòng du khách. Bước sang năm 2024, Cô Tô đã tổ chức nhiều sự kiện văn hoá đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của công chúng. Có thể kể tới như Lễ hội Mở cửa biển tại xã Thanh Lân trong những ngày đầu xuân mới, Lễ hội đua thuyền… Trong tương lai không xa, các lễ hội truyền thống được phục dựng; các địa điểm tâm linh thiêng liêng như: Chùa Trúc Lâm Cô Tô, chùa Trúc Lâm đảo Trần, miếu thờ Cá Ông… được hoàn thiện, hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn thu hút du khách tới Cô Tô; tạo nên chiều sâu văn hoá, hình thành các tour du lịch lễ hội, du lịch tâm linh ý nghĩa.
Đồng thời, định hướng phát triển văn hoá theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu của chính quyền địa phương còn có ý nghĩa to lớn trong việc khơi gợi, bồi đắp tình yêu, lòng tự hào của người dân với biển đảo quê hương; tạo nên sự gắn kết khăng khít giữa con người và thiên nhiên theo chiều dài lịch sử; từ đó giáo dục truyền thống, ý thức gìn giữ nguồn tài nguyên rừng, tài nguyên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2024, du lịch Cô Tô đặt mục tiêu đón trên 300.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt trên 900 tỷ đồng. Ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch và dự kiến đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, đáp ứng tiêu chí xanh và phát triển bền vững như: Các tour du lịch kết hợp nhặt rác; du lịch chữa lành kết hợp với các hoạt động thiền, yoga, vật lý trị liệu; du lịch thực tế ảo, ứng dụng công nghệ thực tế ảo tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; đạp xe trải nghiệm Cô Tô về đêm…
Tin tưởng rằng, với tầm nhìn, hướng đi đúng đắn, quyết tâm chính trị cùng những hoạt động cụ thể, thiết thực, Cô Tô sẽ “cán đích” ngoạn mục các nhiệm vụ đã đề ra và hoàn thành mục tiêu trở thành đô thị sinh thái biển hiện đại, được công nhận là Khu du lịch quốc gia trước năm 2030.
Trang Đào
Liên kết website
Ý kiến ()