Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Du lịch hồi phục mạnh mẽ, nhà đầu tư Condotel ngừng cắt lỗ, chờ ‘sóng’ tăng
Thứ 7, 23/04/2022 | 09:26:12 [GMT +7] A A
Nhiều nhà đầu tư Condotel đã thông báo ngừng bán căn hộ trước những diễn biến tích cực của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và áp lực tài chính, nhiều nhà đầu tư căn hộ du lịch (thường được gọi là Condotel) đã buộc phải rao bán cắt lỗ căn hộ của mình.
Tuy nhiên, gần đây, khi thị trường đang có những chỉ dấu tích cực, nhiều chủ sở hữu đã đồng loạt “quay xe” ngừng bán.
Anh Lê Quốc Cường, một môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, cho biết, năm 2021, chúng tôi nhận bán gần 50 căn condotel trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Có những nhà đầu tư vì quá mệt mỏi nên chấp nhận bán gấp với mức lỗ 100 – 250 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2022, các giao dịch nhờ bán giảm gần 70%, hầu hết những căn đăng bán nhưng bị "ế" trước đó cũng yêu cầu gỡ thông tin để chờ thời.
Anh Lê Văn Đạt (Phú Mỹ Hưng - TP. HCM) - Một nhà đầu tư chia sẻ, cuối năm 2019, anh đầu tư 2 căn condotel ở Nha Trang (Khánh Hoà).
Cả 2 căn condotel của anh Đạt đều được mua theo dạng “đầu tư 0 đồng”, nghĩa là chủ đầu tư áp dụng chính sách hỗ trợ 100% vốn, lãi suất 0% trong năm đầu tiên, cam kết lợi nhuận 10% năm, ân hạn nợ gốc tối đa 36 tháng, hỗ trợ phí trả nợ trước hạn.
Sau khi tìm hiểu, xin tư vấn của chuyên gia, anh Đạt quyết định xuống tiền mua liền 2 căn, tổng giá trị gần 5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến cùng những vấn đề về pháp lý của condotel chưa được tháo gỡ, nên 2 căn condotel của anh rơi vào trạng thái đóng băng.
Đến năm 2021, trước áp lực lãi suất từ ngân hàng, anh Đạt phải cắn răng rao bán cắt lỗ 2 căn, với mức giá thấp hơn gần 300 triệu đồng so với thời điểm mua vào đầu năm 2019.
Qua môi giới, anh bán thành công 1 căn vào cuối năm 2021, còn 1 căn tồn chưa bán được.
Tuy nhiên, đầu năm 2022 với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường du lịch, anh Đạt quyết định dừng bán căn condotel còn lại, để chờ sóng tăng trong thời gian tới.
Giống như anh Đạt, anh Trần Mai Anh - một chủ căn condotel ở Đà Nẵng cũng cho biết, tháng 6 năm ngoái, chị có rao bán cắt lỗ căn condotel này với giá thấp hơn 200 triệu đồng so với thời điểm mua. Đến tháng 1 vừa qua, khi nhận thấy du lịch đang dần được mở cửa trở lại, chị đã quyết định không bán căn condotel này nữa.
Lý giải xu hướng này, ông Hoàng Hữu Minh Dũng, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển của BSH Group cho biết, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang phục hồi đáng kể từ giữa năm 2021.
Hầu hết các loại hình sản phẩm, từ condotel đến biệt thự biển, shophouse (nhà phố thương mại) đều ghi nhận nguồn cung và thanh khoản khả quan hơn trong nửa cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Trong đó, condotel vẫn là loại hình chiếm tỷ trọng áp đảo với nguồn cung gần 7.000 căn, tương đương với 58% trong tổng số 12.000 căn nghỉ dưỡng cao tầng, bao gồm cả condotel có thời hạn và căn hộ sở hữu lâu dài.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam”,
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mới, nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch COVID-19 rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Cùng với đó, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén bật tăng trở lại”.
Tuy nhiên, theo ông Đính, sự thiếu nhất quán trong thực thi chính sách, sự chậm trễ của các cơ quan chức năng địa phương trong thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho nhà đầu tư thứ cấp mua bất động sản xây dựng trên đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) đang là vấn đề bất cập, gây “nghẽn” ở nhiều địa phương trên cả nước như: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Phú Quốc, Phan Thiết (Bình Thuận), Kiên Giang, Bình Định…
Để khơi thông thị trường bất động sản du lịch cũng như tạo đà phục hồi phát triển thị trường bất động sản nói chung thì theo ông Đính, cần nhanh chóng có cơ chế chính sách rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy sự phát triển thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp phát triển và nhà đầu tư.
Các chuyên gia, luật sư cũng đề xuất giải pháp: Những dự án bất động sản đã được cấp Giấy chứng nhận theo loại hình đất ở tại nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở) nhưng chưa triển khai xây dựng sẽ chuyển sang đất thương mại dịch vụ.
Đối với các dự án đã xây dựng và hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng sẽ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo hiện trạng đất ở tại nông thôn, thời hạn sử dụng lâu dài cho các nhà đầu tư thứ cấp (khách hàng mua biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng).
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()