Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:26 (GMT +7)
Du lịch Hạ Long qua các tư liệu báo chí xưa
Chủ nhật, 18/06/2023 | 08:58:03 [GMT +7] A A
Sau khi đã hoàn thành việc xâm chiếm Hòn Gai, đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác than ở khu mỏ. Bên cạnh than, người Pháp cũng không bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch của Vịnh Hạ Long. Báo chí là một trong các kênh quảng bá, đồng thời lưu trữ đến ngày nay về sự du lịch ở Quảng Ninh khi ấy.
Trong tập tài liệu (mã M7.1544, do Liên hiệp Các nghiệp đoàn du lịch miền Bắc Đông Dương xuất bản năm 1938) lưu tại Viện Viễn đông Bác Cổ mà chúng tôi sưu tầm được có bài “Du lịch Vịnh Hạ Long” giới thiệu vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cùng với các di tích Angkor (Campuchia), những lăng tẩm ở Huế. Nội dung tài liệu phần viết về Vịnh Hạ Long có nhiều thông tin khá lý thú, cho ta có cái nhìn về cách người Pháp khai thác dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long thời bấy giờ.
Theo các tài liệu lưu trữ, đầu những năm 20, nhất là những năm 30 của thế kỷ trước, Vịnh Hạ Long bắt đầu được quảng bá về vận tải biển, du lịch trên các tạp chí, bưu thiếp. Trong đó, về du lịch, chủ yếu là quảng bá về Vịnh Hạ Long. Bấy giờ, du khách muốn đến Hạ Long chủ yếu là từ Hà Nội xuống Hải Phòng bằng tàu hỏa rồi đi tàu thủy, hoặc ô tô sang Hòn Gai. Đối với khách châu Âu, có thể đi theo tuyến tàu biển từ Hồng Kông, Nam Trung Quốc xuống.
Thông thường, các cuộc tham quan Vịnh Hạ Long được người Pháp tổ chức quy mô vào các dịp Lễ các Thánh (1/11), Giáng sinh (24/12), Tết Nguyên đán của người Việt. Những tour này thường được quảng cáo trên báo chí ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, các chuyến tham quan theo đoàn có thể báo trước 48 giờ. Mỗi hành trình tối thiểu là 2 ngày, nhiều là 4 ngày.
Một trong những hãng du lịch lớn nhất ở Hòn Gai lúc đó là hãng P.Roque. Hãng này có một đội tàu hơi nước hạng sang đặt tên theo các loại ngọc như: Perle (ngọc trai), Emeraude (ngọc lục bảo), Rubis (hồng ngọc), Saphir (ngọc lam). Mỗi tàu phục vụ được ít nhất là 20 người. Trên tàu có phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, có quạt điện, buồng tắm, tủ lạnh, buồng tối dành cho nghề ảnh. Giá thuê tàu theo ngày chứ không theo số người, một ngày là 140 đồng bạc Đông Dương, ba ngày là 120 và bốn ngày là 100 đồng Đông Dương. Ngoài ra, hãng còn có 1 tàu chân vịt Onyx thích hợp cho đi nhóm nhỏ, giá thuê một ngày là 100 đồng, ba ngày là 80 đồng và trên bốn ngày là 60 đồng/ngày. Khách đi tàu được phục vụ các bữa, giá mỗi ngày 5 đồng; bữa ăn gồm cà phê, bánh mì và bơ, sữa, ram-bông…
Với hành trình hai đến bốn ngày, du khách sẽ được đưa tham quan các hang động trên Vịnh, cảng Vạn Hoa, lên bộ tham quan các mỏ than ở Hà Tu, Cẩm Phả, thậm chí đi tàu thủy đến tận Mũi Ngọc (Móng Cái). Ngoài ra, còn có các tour tàu thủy ngược sông đến Đông Triều, lên tới Đáp Cầu (Bắc Ninh). Đường ô tô từ Hòn Gai đi Cẩm Phả khi ấy được mô tả “có phong cảnh đẹp, đi qua những địa danh còn hoang sơ, rừng rậm”. Còn Đông Triều thì “các loại thú rất nhiều như cọp, lợn lòi, hươu, gấu, hoẵng, gà lôi v.v..”.
Ngoài đi tàu hạng sang theo các tour kể trên, du khách có thể thuê xuồng gắn máy khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long. Hòn Gai khi đó chỉ có hai điểm dịch vụ cho thuê xuồng gắn máy, một ở Khách sạn Mỏ (Hotel de Min - ở bến phà Hòn Gai cũ) và một của Câu lạc bộ Hàng Hải ở Bãi Cháy (trên các tài liệu, bản đồ, người Pháp viết là Vatchay, hay Vachai). Giá thuê xuồng có thể theo ngày, theo giờ, tùy theo loại xuồng, cao nhất là 4,5 đồng/1 giờ/xuồng. Ngoài ra, du khách có thể thuê thuyền tam bản (thuyền nan), để tham quan các hang động, giá thuê từ 2,5-3 đồng/ngày. Nếu không ngủ trên tàu, du khách có thể chọn ngủ Khách sạn Mỏ là khách sạn tiện nghi và độc nhất ở Hòn Gai khi ấy, giá phòng từ 6-9 đồng/ngày; hoặc ngủ tại khách sạn nhỏ của người Nhật ở Bãi Cháy có tên “Quán trọ Vịnh Hạ Long”…
Cũng cần nói, du lịch ở Hạ Long - Hòn Gai nửa đầu thế kỷ 20 được người Pháp phát triển nhưng không có nghĩa là chỉ dành cho người Pháp hay người Âu mà rất nhiều người Việt đã tới du lịch Vịnh Hạ Long. Trong đó có không ít du khách là những văn nghệ sĩ, ký giả. Các tạp chí như Nam Phong, Đông Dương (Indochine) đã đăng nhiều bài giới thiệu về vẻ đẹp của Hạ Long. Nhiều người đã viết các loạt bài ký (du ký) kể lại cảm nhận những điều kỳ thú trên đường khám phá từ Hạ Long đến các mỏ than, ra đến Móng Cái.
Trên tạp chí Nam Phong số 71, phát hành tháng 5/1923, Trần Trọng Kim - người sau đó từng làm Thủ tướng trong chính phủ tay sai thân Nhật năm 1945 có bài “Sự du lịch đất Hải Ninh”, kể lại hành trình du lịch Hòn Gai, Móng Cái. Trong đó có đoạn “Nói đến Bạch Đằng giang thì ta lại tưởng nhớ đến sự nghiệp của ông cha đời trước đã từng bởi con sông đó mà lập nên những công trạng lớn hoặc để gây nên cái nền tự chủ cho nước nhà, hoặc để bảo tồn được giang sơn để khỏi bị quân cường bạo xâm chiếm…”.
Cũng trên Nam phong tạp chí (số 168, tháng 1/1932) đã đăng “Quảng Yên du ký” của ký giả Nhàn Vân Đình (tức Trần Duy Vôn, 1906-1979) viết về hành trình thăm Hòn Gai, Hạ Long. Ông tả lại sống động chuyến đi bằng đường thuỷ:
“Quá nửa ngày tới tỉnh Quảng Yên, không kịp vào phố ngắm qua con đường thẳng dẫn vào tỉnh, cây cối um tùm, cành cao bóng mát... Từ đây trở đi, tàu chen núi, núi chen bể, bể khoe bể sâu, núi khoe núi cao, núi có bể thêm đẹp, bể có núi thêm tình, dẫu không tiên mà vẫn nổi danh, không long mà vẫn linh dị, bậc nhân giả, bậc trí giả, vui sướng biết bao. Buổi chiều 5 giờ 30 tới Hòn Gai, trời sụp tối, gió cuốn mạnh, đèn điện đã giật, còi mỏ đã rúc, lẽ ra trăng mồng 6 lên cao, ngặt vì tiết đại tuyết tới nơi, thường lệ bao giờ cũng u ám ảm đạm, vì vậy tờ mờ không tỏ. Những bọn phu than hết giờ ra về, kinh pha Thổ, đường trong lẫn đường ngoài, cười nói hát xướng…”.
Khi đi qua Hòn Gai, Cẩm Phả, Mông Dương... Nhàn Vân Đình đều có làm mấy bài thơ đề vịnh phong cảnh. Khi đứng bên đền Cửa Ông, ký giả quan sát và ghi lại hình ảnh công cuộc hiện đại hóa: “Thẳng đền trông ra có một con đường đá xây quai bờ bể, dài chừng nửa cây số, từ mặt đường tới mặt nước cao chừng 9, 10 thước đứng thẳng như bức thành dựng. Làm như vậy để tàu lớn áp mạn cho tiện, trực tiếp ngay với mặt đường, không phải màn cầu và phà. Mé đường lại có chiếc phà sắt rất cao, đặt máy xe điện ở trên, khi nào có tàu ăn than, tới nơi hòm than tháo ngay mảnh sắt sau ra, dần dần rót thẳng xuống…”. Tiếp đó tác giả tả lại con đường từ đền Cửa Ông tới mỏ Mông Dương với những ấn tượng khá hãi hùng gợi sự tò mò mạo hiểm.
Năm 1941, một điền chủ yêu nghề văn ở Giá Rai (Bạc Liêu) là Trần Hữu Tư sau chuyến du lịch khám phá Hòn Gai, Hạ Long đã xuất bản hẳn cuốn sách “Hải Long du ký” với phụ đề tiếng Pháp Le tourisme à la baie d’Along (du lịch Vịnh Hạ Long). Tuy chưa thật văn vẻ, giọng văn chân chất, nhận định chưa thật đầy đủ những gì ông Trần Hữu Tư để lại cũng cho chúng ta có cái nhìn khái quát về đời sống và cách nhìn về Vịnh Hạ Long của người xưa. “Đến Hòn-gay 6 giờ sáng, chúng tôi thuê được chiếc thuyền khả-dung lối vài chục người. Ổng Cả đã sai dự bị các thức tửu-hào. Thuyền tách bến nhằm lúc trời êm bể lặng, lại được gió nước đều thuận, nên đi không bao lâu thì tới cửa Lục (Lục-hải-khẩu). Tại đây có động Ngũ thể Tường - vân, tên này do đức vua Khải Định đặt ra (hang-Đầu-Gỗ). Từ chơn núi phải leo lên gần 100 nấc thang đá mới vào cửa động... Gần núi Cập-gà cũng có núi có động, nhưng chẳng có chi đáng kể, chúng tôi bèn bảo chèo lại núi Đề-thơ. Tại đây có hai bài thơ: Một bài của vua Lê Thánh Tôn và một bài của chúa Trịnh (Trịnh Cương). Bài của vua Lê Thánh Tôn khắc vào năm 1468 tính ra 472 năm, nay chữ đã mờ chỉ đọc được hai câu: Thiên - Nam vạn cổ sơn hà tại. Chính thị tu văn yễn võ niên. Tuy vậy đọc nội một câu Thiên - Nam vạn cổ sơn hà tại nghe cũng khoái lắm rồi. Phía cuối cùng lại có một bài của cụ Nguyễn Cần mới khắc hồi cụ làm quan tại Quảng Yên...”.
Cảm hứng trước các bài thơ của tiền nhân, Trần Hữu Tư bèn ứng tác một bài. Có điều chưa rõ vì sao ông lại gọi Hạ Long là Hà Long hay Hải Long (như tựa đề cuốn sách):
Gối đầu Bắc địa giáp ranh Tàu,
Phong cảnh Hà Long đẹp biết bao.
Một giải trong ngần mây nhận sắc,
Mấy hòn sáng rỡ đá phơi màu.
Chơn trời thâm thẫm rồng đi vắng,
Mặt biển minh mông cá nhảy nhào.
Nam quốc san hà ai đại định?
Thi đề vách đá chứng tài cao!
Còn có rất nhiều du ký của các văn sĩ, ký giả mà khuôn khổ bài không kể hết. Đây là những tư liệu quý, bên cạnh là những áng văn hay còn cho ta hôm nay thấy được cảnh vật, vùng đất, con người Quảng Ninh cách nay từ khoảng 80-100 năm.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()