Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:09 (GMT +7)
Du lịch Đông Triều và những chuyển động mới trong năm 2023
Chủ nhật, 12/02/2023 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Các hoạt động du lịch đang có những chuyển động mạnh mẽ, khởi sắc sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đông Triều là địa phương cũng đang có sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu năm.
Hấp dẫn lễ hội đầu năm
Là vùng đất có nhiều di tích, danh thắng, đầu năm mới, Đông Triều đã sôi động với nhiều lễ hội, hoạt động du xuân. Một trong những lễ hội mở màn là lễ hội xuân Ngọa Vân diễn ra vào ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng), vốn được coi là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Đây là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.
Sau vài năm bị đình trệ, lễ hội xuân Ngọa Vân năm nay mang diện mạo mới, được tổ chức quy củ, trang trọng với các nghi lễ cầu quốc thái, dân an, gióng trống - thỉnh chuông khai hội, lễ dâng hương tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân. Lễ hội còn hút khách thập phương bởi các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng. Đáng chú ý là chương trình diễu hành, đua xe đạp của 250 VĐV các CLB xe đạp toàn tỉnh tụ hội về đây; giao lưu biểu diễn chèo cổ, chèo cải biên từ các CLB, các đội văn nghệ, các nghệ nhân hát chèo.
Trong không khí du xuân sôi động, ngay sau đó là lễ hội Thái Miếu (từ 8-10/2, tức ngày 18-20 tháng Giêng). Đây được coi là chốn linh thiêng nhất, di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể khu di tích nhà Trần, là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Trần và các vị vua Trần. Lễ hội Thái Miếu được tổ chức công phu với các nghi lễ trang nghiêm: Lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tiến vua… Trảy hội xuân, du khách còn được hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn được tổ chức tại sân giếng Thái Miếu, như: Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa xã An Sinh, hội cờ xuân, giao lưu cờ cây, tung còn, đập niêu, kéo co…
Có thể thấy, mở đầu năm 2023, du lịch Đông Triều đã sôi động, khởi sắc với lượng khách đông đảo du xuân. Theo thống kê chỉ trong những ngày đầu năm 2023, một số điểm di tích đã đón tiếp số lượng khách lớn: Chùa Quỳnh Lâm đón trên 33.000 lượt; đền An Sinh trên 28.000 lượt; chùa Ngọa Vân trên 17.000 lượt…, góp phần nâng tổng lượng khách tới TX Đông Triều dịp này lên gần 144.000 lượt.
"Lễ hội đầu năm trên chỉ là 2 trong số hơn 20 sự kiện được lên kế hoạch, tổ chức xuyên suốt năm, góp phần kích cầu, quảng bá xúc tiến mạnh mẽ cho du lịch địa phương. Thị xã còn lên kế hoạch, thúc đẩy hàng loạt các hoạt động du lịch tâm linh, các hoạt động văn hóa, thể thao, kích cầu... nhằm tăng sức hút, diện mạo mới cho các sản phẩm du lịch thế mạnh" - đồng chí Đỗ Thị Hà, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TX Đông Triều, chia sẻ.
Theo đó, cùng với các lễ hội trên còn có nhiều hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội chùa Quỳnh (xã Tràng An), Lễ hội đền An Sinh (xã An Sinh)... và hàng loạt các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch khác trải dài cả năm 2023 đã được lên kế hoạch, nhằm tăng sức hút với du khách.
Cụ thể như: Hội chợ thương mại OCOP Đông Triều (dự kiến tổ chức trong quý I/2023), chuỗi sự kiện: Hành trình về miền di sản - Thánh địa thiền phái Trúc Lâm (tháng 12/2023) cùng khoảng 10 giải thể thao lớn, trong đó có không ít các giải đấu cầu lông, dance sport… đã thành "thương hiệu", là nơi tụ hội, điểm hẹn của nhiều VĐV và du khách.
Các đơn vị doanh nghiệp cũng tham gia kích cầu, thu hút khách. Trong đó, Công ty CP Du lịch Ngọa Vân - Hồ Thiên có hỗ trợ, giảm 10-15% giá cáp treo lên Ngoạ Vân cho khách đoàn, báo dịch vụ trước 8h sáng; có combo ưu đãi dịp thấp điểm. Với Quảng Ninh Gate, Công viên nước Hà Lan, du lịch Yên Đức… sẽ có nhiều chương trình đa dạng hút khách theo tình hình du khách tới Quảng Ninh, có nhiều chương trình hỗ trợ, kích cầu cho từng thời điểm.
Một trong những điểm thu hút du khách là các điểm bán và trải nghiệm làm gốm. Dù trải qua thời gian dài trầm lắng, các Công ty CP Thành Đồng, Thái Sơn 88, gốm Quang Vinh, HTX gốm sứ Đông Thành... vẫn dành không gian trưng bày và xưởng đón khách trải nghiệm, làm sản phẩm lưu niệm...
Theo kế hoạch, trong năm 2023, TX Đông Triều phấn đấu đón 800.000 lượt khách du lịch đến tham quan các điểm du lịch, di tích trên địa bàn.
Thúc đẩy các sản phẩm thế mạnh
Thời gian qua, Đông Triều đã quan tâm, tập trung vào việc quy hoạch, đầu tư hạ tầng… làm nền tảng cho sự phát triển. Căn cứ vào các quy hoạch của tỉnh, trung ương, thị xã đã chỉ đạo việc rà soát các quy hoạch, chính sách, quy định để kịp thời điều chỉnh đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Một trong những nét nổi bật là sự quan tâm đầu tư về hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh. Theo đó, đã có nhiều công trình mới được thi công, đưa vào phục vụ du lịch như: Tuyến đường vào các lăng mộ vua Trần; tuyến đường hành hương kết nối khu di tích Yên Tử với Hồ Thiên - Ngọa Vân; hệ thống dịch vụ cáp treo Ngọa Vân cùng các hạ tầng, dịch vụ đa dạng gắn với di tích; thi công thảm bê tông nhựa từ ngã sáu Đức Chính vào chùa Quỳnh Lâm; chuẩn bị đầu tư mở rộng nút giao đền Sinh và bãi đỗ xe đền Sinh...
Nhằm thúc đẩy, mở rộng liên kết du lịch, xu hướng đang phát triển mạnh mẽ sau dịch Covid-19, Đông Triều cũng đặc biệt quan tâm phối hợp với các địa phương lân cận, đặc biệt là Hải Dương, Bắc Giang. Điều thuận lợi là, trước đó Quảng Ninh và 2 tỉnh bạn đã cam kết phối hợp hoàn thành hồ sơ khoa học để trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, trong đó có Khu di tích lịch sử nhà Trần là Di sản thế giới.
Vì vậy, thị xã cũng tăng cường kết nối, hỗ trợ quảng bá kết hợp nhiều sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận của 2 tỉnh. Gần nhất, ngay đầu năm mới 2023, Đông Triều đã tham gia gian hàng tại Tuần Văn hóa - Du lịch và Xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023.
Ở phạm vi trong tỉnh, Đông Triều cũng thúc đẩy kết nối, xúc tiến du lịch tâm linh với 2 địa phương lân cận là: Uông Bí, Quảng Yên. Đặc biệt, đầu năm 2023, thị xã hoàn thiện đề án Phát triển du lịch Đông Triều đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có nhiều hoạt động liên kết thúc đẩy, phát triển du lịch tâm linh; chương trình phối hợp, xúc tiến du lịch với các địa phương khác.
Cũng trong năm nay, thị xã cũng sẽ kết hợp với Liên đoàn mô tô, xe đạp thể thao tổ chức nhiều giải, hoạt động kết nối với các tỉnh, thành lân cận. Đây là các sự kiện thể thao kết hợp biểu diễn nghệ thuật để quảng bá du lịch tâm linh và các sản phẩm thế mạnh khác.
Đổi mới, tạo sức bật, thị xã cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực này. Cụ thể, Đông Triều sẽ triển khai chương trình thuyết minh tự động, đang được các đơn vị trung ương và địa phương triển khai rất thành công; đẩy mạnh vùng phủ sóng 5G tại các điểm trung tâm, điểm du lịch; xây dựng tất cả các tour, tuyến có thuyết minh tự động... Tất cả nhằm tạo sự tiện nghi, thuận lợi tối đa cho du khách, đặc biệt là tại các điểm di tích trong Quần thể di tích nhà Trần trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Đông Triều cũng đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới kiểu mẫu, như: Trải nghiệm các khu vườn đồi kiểu mẫu ở vùng trồng na, bưởi, hoa; xây dựng các điểm check-in; thúc đẩy du lịch làng quê Yên Đức, chuẩn bị sẵn sàng điều kiện đón khách quốc tế…
Được biết, để tăng sức hút, thúc đẩy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh du lịch, thị xã cũng đưa ra nhiều giải pháp tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; chiến dịch quảng bá kích cầu; tăng cường phối hợp quảng bá, giới thiệu trên các kênh thông tấn, báo chí. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường đảm bảo môi trường du lịch, mạnh tay xử lý vi phạm... tạo môi trường du lịch lành mạnh, hút khách.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()