Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:02 (GMT +7)
Du lịch đã thay đổi
Thứ 2, 17/05/2021 | 14:35:33 [GMT +7] A A
Dịch bùng phát ngay trước mùa cao điểm khiến ngành du lịch lại rơi vào vòng xoáy 'hủy, hoãn tour'. Tuy nhiên, doanh nghiệp và du khách đã có sự thông cảm, chia sẻ. Khách không còn đòi hoàn tiền, doanh nghiệp cũng áp chính sách bảo lưu, gia hạn.
Trong năm 2021, ngành du lịch đặt mục tiêu khai thác và phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng hơn 42% so với năm 2020 và tương đương với năm 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 bùng phát đã làm đảo lộn mọi kế hoạch của du khách, các DN lữ hành, cơ sở lưu trú và ẩm thực...
Với các cơ sở lưu trú, đây là một đòn giáng mạnh khi thị trường đang bước vào cao điểm các hoạt động hội nghị và sự kiện, được kỳ vọng sẽ góp phần bù đắp sự mất mát của doanh thu phòng.
"Cơm chưa nấu, gạo còn đó"
Ngay khi con có kế hoạch thi học kỳ 2, gia đình chị Phương (Q.1, TP.HCM) lên kế hoạch đi du lịch cùng đồng nghiệp, đặt phòng tại một resort ở Quy Nhơn vào đầu tháng 6 và đã thanh toán trước.
Theo quy định của resort, khách hủy trước 35 ngày mới được hoàn tiền, sau ngày này sẽ bị phạt 50%. Nếu hủy trước 20 ngày nhận phòng, bị phạt 100% tổng giá trị dịch vụ.
Tuy nhiên do dịch bất ngờ bùng phát, chị Phương liên hệ với resort và được cam kết sẽ bảo lưu dịch vụ cho đến cuối tháng 8 và tùy vào tình hình dịch.
"Tôi thấy cách xử lý như vậy là hợp lý, mình không đi thì tiền vẫn còn đó, chờ tình hình dịch ổn rồi lên đường không muộn" - chị Phương nói.
Theo ông Mauro Gasparotti - giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, đợt dịch lần này rơi vào thời điểm khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với các dịch vụ kinh doanh lưu trú và hội nghị.
Khách sạn và khu nghỉ dưỡng đều nhận được nhiều yêu cầu hủy phòng hoặc thay đổi ngày lưu trú của du khách. Các hội nghị cũng buộc phải tạm hoãn hoặc hủy bỏ theo yêu cầu của cơ quan địa phương.
Bà Cao Thị Tuyết Lan - tổng giám đốc Công ty Iettours - cho biết các tour trong tháng 5 của DN đã tạm ngưng, tuân thủ các quy định chống dịch của Chính phủ.
"Dù tour tạm hoãn nhưng DN cũng không gặp quá nhiều khó khăn như trong đợt dịch đầu tiên trong việc đàm phán với các đối tác, do các chính sách bảo lưu từ cơ sở lưu trú, hãng hàng không, nhà hàng, dịch vụ tham quan... đều đã khá rõ ràng" - bà Lan chia sẻ.
Theo bà Lan, khách thống nhất quan điểm sẽ dời tour, chờ đến ngày dịch được kiểm soát sẽ lên đường. Hầu hết các dịch vụ trong tour cũng đều được bảo lưu ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, tạo thêm điều kiện cho du khách lựa chọn thời điểm du lịch thích hợp.
"Chúng tôi cũng nhận được booking của đoàn khách DN sẵn sàng trong tháng 7. Các tour từ tháng 6 đến tháng 11 cũng đang được xây dựng, xây dựng thêm những sản phẩm mới chuẩn bị cho thị trường quay lại" - bà Lan chia sẻ thêm.
Định vị lại thị trường nội địa
Ông Nguyễn Minh Mẫn - đại diện Công ty TST Tourist - cho biết các thủ tục xử lý tour hoãn cho du khách đến nay đều đã ổn thỏa, thậm chí DN vẫn ký được những hợp đồng du lịch MICE lớn cho kế hoạch khởi hành trong tháng 7.
"Đây là những đoàn khách lớn từ 1.200 - 1.800 khách, với hoạt động rất cụ thể. Vì thế, giới kinh doanh vẫn đánh giá du lịch hè năm nay là ẩn số" - ông Mẫn cho biết.
Theo ông Mauro Gasparotti, kỳ nghỉ lễ dài vừa qua là một minh chứng cho thấy nguồn khách nội địa là động lực giúp ngành du lịch khôi phục.
Trước khi có thông tin về làn sóng dịch thứ 4, nhiều resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ, thậm chí giá phòng tại một số resort trong giai đoạn này còn cao hơn cùng thời điểm năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra dịch COVID-19.
Ông Phạm Hà - chủ tịch Lux Group - cũng cho biết dịch đã giúp các DN nhìn thấy tiềm năng của một thị trường nội địa 100 triệu dân, với nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, các trải nghiệm. Đây là thời điểm các DN cần sự định hướng của cơ quan quản lý để xây dựng một chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu thiết yếu.
"Chúng ta không nên tạo tâm lý kỳ vọng giảm giá quá nhiều cho du khách, mà hãy cam kết cung cấp chất lượng tốt nhất tương xứng với đồng tiền mà khách bỏ ra" - ông Hà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - cho rằng sự bùng nổ của du lịch trong các kỳ nghỉ lễ vừa qua một phần nhờ lượng lớn khách Việt không thể đi du lịch nước ngoài vì dịch COVID-19.
Ước tính, hằng năm có hơn 10 triệu lượt khách Việt đi du lịch nước ngoài, con số rất lớn bổ sung cho thị trường nội địa hiện nay.
"Dù du lịch đang tạm đóng băng nhưng cơ quan quản lý ngành cần có chương trình hành động quảng bá du lịch Việt Nam. Không chỉ định vị lại chính sách thị trường nội địa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam mà lúc này, du lịch Việt Nam cần sớm hoàn thiện bộ công cụ đón khách quốc tế, sẵn sàng cho mở cửa bầu trời" - ông Kỳ đề xuất.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()