Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Giai đoạn 2023-2025, 53 địa phương thực hiện sắp xếp, trong đó có 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị cấp xã.
Tính đến ngày 25/4, Nam Định, Tuyên Quang, Lào Cai, Cần Thơ đã gửi đến Bộ Nội vụ hồ sơ đề án sắp xếp. Bộ đã tổ chức Đoàn khảo sát thực tế để thẩm định, hoàn thiện hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, vấn đề nan giải hiện nay là số lượng đơn vị hành chính được địa phương đề xuất giữ nguyên do có yếu tố đặc thù chiếm tỷ lệ lớn, 21/30 huyện và 508/1.253 xã. Việc xác định yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, an ninh, quốc phòng lại rất phức tạp do phải rà soát, thu thập tư liệu lịch sử, khoa học và cơ sở pháp lý để chứng minh.
Theo kế hoạch, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 phải hoàn thành trước tháng 10/2024 để địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Đây là yêu cầu khó khăn với nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, không nhiều đơn vị hành chính đô thị dự kiến thành lập sau sắp xếp đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra. Hầu hết các trường hợp sắp xếp đơn vị nông thôn để mở rộng đô thị hiện hữu đều khó đáp ứng tiêu chuẩn do thiếu hụt đầu tư về cơ sở hạ tầng, văn hóa và xã hội.
Bộ Nội vụ cho biết số lượng đơn vị sắp xếp nhiều, tiến hành đồng thời với quy trình tinh giản biên chế nên số lượng người lao động dự kiến dôi dư rất lớn. Trong khi đó, số dôi dư từ việc sáp nhập huyện xã giai đoạn 2019-2021 ở một số địa phương đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Biên chế cán bộ, công chức cấp xã bị cắt giảm nên các địa phương cũng gặp khó trong việc xác định phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ đột xuất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm cân đối ngân sách với mức 20 tỷ đồng mỗi đơn vị cấp huyện giảm và 500 triệu đồng mỗi đơn vị cấp xã giảm. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều trở ngại do chưa thống nhất được nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc loại chi đầu tư theo Luật Đầu tư công hay chi thường xuyên theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Nội vụ đề nghị Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc cấp kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh, thành thực hiện sắp xếp theo hướng giao Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định bổ sung dự toán chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2024 hoặc năm 2025.
Tháng 7/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 nhằm giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo thuận lợi cho quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Các huyện xã thuộc diện bắt buộc sáp nhập có diện tích và dân số dưới 70% tiêu chuẩn; huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200%; xã có diện tích dưới 20% và dân số dưới 300%. Năm 2025, các huyện xã mới sau sáp nhập sẽ tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Bản đồ địa giới sau đó được chỉnh lý. Trụ sở huyện xã chưa được sử dụng sẽ thanh lý hoặc chuyển công năng, bán đấu giá tài sản, đất; kinh phí thu được bổ sung ngân sách địa phương.
Theo quy định, tiêu chuẩn huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000. Quy mô dân số của xã là 5.000 đến 8.000 trở lên, diện tích từ 30 km2.
Ý kiến ()