Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:06 (GMT +7)
Dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,48%
Chủ nhật, 11/02/2024 | 13:51:15 [GMT +7] A A
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,48%; xuất khẩu cả năm tăng 5,19%; thặng dư thương mại ở mức 6,26 tỷ USD; lạm phát bình quân năm ở mức 3,72%.
Nhìn lại năm 2023, CIEM nhận định, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ nét đà phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý. Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát.
Theo CIEM, khu vực doanh nghiệp cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023 với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, đạt gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023.
Ngoài ra, kinh tế cũng có nhiều điểm sáng hơn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%).
Với những dữ liệu của nền kinh tế, bước sang năm 2024, CIEM đã phân tích, đánh giá và đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Theo đó, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, trong kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024; mức giá của Mỹ tăng tới 2,4%; giá hàng nông sản xuất khẩu giảm 2,2%; giá dầu thô thế giới giảm 0,7%.
Tại Việt Nam, tỷ giá VNĐ/USD tăng 1,5%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 9%; tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 2%... Với kịch bản này, theo ông Nguyễn Anh Dương, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13%; xuất khẩu cả năm tăng 4,02%; thặng dư thương mại ở mức 5,64 tỷ USD; lạm phát bình quân ở mức 3,94%.
Ở kịch bản 2, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1 và có một số điều chỉnh là: GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2%. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo…); qua đó cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 5%.
Với tính toán này, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt 6,48%; xuất khẩu cả năm tăng 5,19%; thặng dư thương mại ở mức 6,26 tỷ USD; lạm phát bình quân năm ở mức 3,72%.
Nhằm đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2024, bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
“Trong bối cảnh phát triển mới, chúng tôi tâm niệm thể chế chính là một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa” cho tăng trưởng của Việt Nam”, Viện trưởng CIEM nêu rõ.
Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục xử lý một số thách thức trong quá trình thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong thời gian tới.
Trong đó, các chuyên gia chỉ ra rằng, có các thách thức về cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi, rủi ro gia tăng nhập siêu với một số đối tác trong RCEP và bảo đảm chất lượng của các dự án FDI từ khu vực RCEP, đặc biệt là cần xử lý thách thức lớn nhất, đó là tăng cường nhận thức, quán triệt cho các cơ quan, doanh nghiệp về tư duy phù hợp để tiếp cận và khai thác hiệu quả cơ hội từ RCEP.
Theo Tạp chí Tài chính
Liên kết website
Ý kiến ()