Ở góc nhìn của mình, sau các chỉ số kinh tế-xã hội quý III được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng trước, các chuyên gia kinh tế trong nước cũng có cái nhìn thận trọng hơn trong dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh: Tăng trưởng âm trong quý III ở mức 6,17% là không nhỏ, nguyên nhân bởi Các giải pháp chặn đà suy giảm hầu như không đạt như kỳ vọng, đặc biệt giải pháp đẩy mạnh tiêm chủng vaccine chưa thật kịp thời và khẩn trương.
“Đây là “cú sốc” ngoài mong đợi, làm thay đổi nhận thức về tăng trưởng cả năm” - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức nặng nề, nghiêm trọng đến toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trên nhiều mặt, cả kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng con người.
Dịch COVID-19 đã gây ra tổn thất về kinh tế lớn chưa từng có, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ở mức bình quân 7% năm (2018-2019) giảm xuống 2,91% trong năm 2020 và năm 2021 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 2%.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến chỉ đạt 2,5%.
Theo TS Hồ Quốc Tuấn - Trường Đại học Bristol (Anh quốc), trong bối cảnh làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, logistics, nhân lực lao động…, thì mức tăng trưởng âm là điều nhiều người đã tiên lượng.
Tuy nhiên, TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng: “Mức giảm 6,17% lại nằm ngoài dự đoán. Đây là mức thấp trong nhiều mô hình dự báo khi bị kéo bởi mức giảm 9,28% của khu vực dịch vụ”.
Đầu tháng 12.2021, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng dự báo GDP cả năm 2021 chỉ đạt từ 2 - 2,5%, trong đó GDP ngành công nghiệp xây dựng tăng cao nhất với 4 - 4,5%, tiếp đó là nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng 2,7 - 3,2%, ngành dịch vụ tăng nhẹ 0 - 0,5%.
Với cái nhìn lạc quan hơn, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021: Ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm đạt 2,5% và ở kịch bản 2, tăng trưởng GDP có thể đạt tới 3%.
Tốc độ giải ngân đầu tư công quyết định tăng trưởng
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể trông đợi nhiều vào việc kích cầu tiêu dùng trong nước, nhằm tạo động lực cho tăng trưởng trong giai đoạn tới.
Trong ngắn hạn, sẽ phải trông chờ vào đầu tư công và xuất nhập khẩu để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, từ nay đến hết năm mục tiêu là phải tập trung, quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tạo nền tảng thu hút, huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư cho phát triển...
TS Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) cũng chung ý kiến, nhấn mạnh về kết quả thành công trong thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, giải pháp căn cơ là Chính phủ cần quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm nay, cắt giảm, thu hồi vốn với những bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn chưa tốt để bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương có tốc độ giải ngân tốt...
Liên quan đến thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, Chính phủ cần lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TPHCM...
Ý kiến ()