Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:31 (GMT +7)
Dự báo dệt may "thấm đòn" COVID-19 trong nửa cuối năm 2021
Thứ 4, 18/08/2021 | 10:44:17 [GMT +7] A A
VNDirect cảnh báo hàng loạt những thách thức cho ngành dệt may trong nước trước tác động của COVID-19.
Theo báo cáo mới công bố của VNDirect, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong quý II/2021 tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm chí cao hơn 7,4% so với mức trước đại dịch (quý II/2019). Mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ vào nhu cầu gia tăng từ các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ (tăng 42% so với cùng kỳ) và EU (tăng 18% so với cùng kỳ).
Ước tính của VNDIRECT, tổng doanh thu quý II/2021 của các doanh nghiệp dệt may niêm yết tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong khi lợi nhuận ròng trong tăng 141,7% so với cùng kỳ.
Bất chấp những con số tích cực nói trên, VNDirect đã đưa ra hàng loạt những thách thức mà ngành dệt may phải đối diện trong nửa cuối năm 2021.
Theo đó, đợt bùng phát dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng một lần nữa do các công ty không thể vận chuyển nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực để đảm bảo thời gian giao hàng.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết thời gian giãn cách xã hội kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của các công ty dệt may khi khoảng 50% nhà máy đặt tại khu vực miền Nam. Hiện tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện “3 tại chỗ” cho người lao động.
Theo VITAS, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức do thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp. VITAS dự báo rằng nếu dịch được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, số lượng công nhân dự kiến sẽ chỉ đạt 60-65%. Do đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực cũng sẽ thách thức lớn cho ngành dệt may trong quý III/2021.
Với kịch bản tích cực COVID-19 được kiểm soát vào cuối tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu của dêt may Việt Nam trong năm 2021 có thể chỉ đạt 33 tỷ USD (giảm 6% so với cùng kỳ), hoàn thành 84% kế hoạch của Chính phủ Việt Nam cho năm 2021 (39 tỷ USD).
Cũng theo VNDirect, chi phí logistic tăng cao cũng là một trở ngại của ngành dệt may Việt Nam. Chi phí vận tải bằng container đã tăng ba lần trong 6 tháng đầu năm 2021. VNDIRECT cho rằng tình trạng thiếu container rỗng và chi phí logistic tăng cao có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng ODM và OBM.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()