Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:08 (GMT +7)
Dự án Đường ven sông ì ạch do vướng mặt bằng
Thứ 6, 21/10/2022 | 08:13:41 [GMT +7] A A
Được kỳ vọng là động lực mở ra không gian kết nối thuận lợi các KCN, các đô thị phía Tây của tỉnh với trục cao tốc Hà Nội - Móng Cái, thúc đẩy phát triển KKT ven biển Quảng Yên, tuy nhiên sau hơn một năm triển khai, dự án Đường ven sông (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) mới chỉ triển khai được hơn 20% tổng khối lượng các hạng mục. Công trình hiện đang rất chậm, khó đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch trong năm 2022.
Dự án Đường ven sông (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) thiết kế quy mô đường cấp III đồng bằng, có chiều dài 11,42km, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 15m. Điểm đầu nối với tuyến nhánh 5.2 nút giao Đầm Nhà Mạc, điểm cuối nối với đường tỉnh 338 tại Km6+838. Trên tuyến được thiết kế 2 cầu bắc qua sông Rút và sông Chanh thuộc địa bàn TX Quảng Yên, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án được triển khai từ tháng 6/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ chủ đầu tư, ngoài 2 cầu sông Rút và sông Chanh đang thi công tích cực, còn lại hạng mục thi công nền đường triển khai rất chậm. Tổng khối lượng các hạng mục đến nay mới đạt 22,44%, trong khi thời gian hoàn thành dự án chỉ còn khoảng hơn 2 tháng theo hợp đồng đấu thầu xây lắp.
Cụ thể, đối với hạng mục thi công cầu, tại cầu sông Rút đã thi công xong 4/10 trụ dẻo (T10-T13), 44/66 cọc khoan nhồi, 2/84 phiến dầm Super T, hoàn thành 1 trụ biên T9, hoàn thành 2 trụ chính. Các đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công đổ bê tông các khối đúc hẫng nhịp chính, mố trụ hai bên đầu cầu. Còn tại cầu sông Chanh, đã thi công 1/2 mố (mố M2), 12/13 trụ dẻo, hoàn thành 2 trụ biên (trụ T6,T9) và 2 trụ chính (T7 T8); thi công cọc khoan nhồi được 73/83 cọc, đục được 22/105 phiến dầm Super T và đã lao lắp, đổ bê tông xong 1/15 nhịp mặt cầu. Nhà thầu đang tổ chức thi công lao lắp dầm tại các nhịp cầu dẫn, đổ bê tông các khối đúc hẫng nhịp chính.
Riêng đối với hạng mục đường, gặp khó khăn khiến nhiều vị trí còn chưa thực hiện thi công. Đó là, đoạn đầu tuyến nối với nút giao Đầm Nhà Mạc hiện nhà thầu mới đang bắt đầu tiến hành dọn thực bì, đắp đê vây; đoạn cuối tuyến cũng mới triển khai thi công được 1km và hiện nay đang dừng không thi công; đoạn giữa tuyến nối 2 cầu sông Rút và sông Chanh chưa được triển khai, công tác tổ chức thi công rất chậm trễ.
Anh Đặng Văn Thông, đại diện nhà thầu Công ty Cổ phần 484 thi công đoạn cuối tuyến, cho biết: Bám sát tiến độ chỉ đạo của chủ đầu tư, nhà thầu đã tập trung nhân lực, phương tiện để đẩy mạnh thi công toàn diện các hạng mục. Tuy nhiên, gói thầu cuối tuyến dài 4km, đến nay đã thi công được 1km, các vị trí còn lại do vướng mặt bằng, vì thế chưa tổ chức thi công được. Rất mong chủ đầu tư và chính quyền địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn để nhà thầu tranh thủ thời tiết mùa khô thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục.
Để triển khai dự án Đường ven sông (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338) cần phải thực hiện GPMB đối với hơn 72ha đất. Đến cuối năm 2021, TX Quảng Yên đã vận động người dân bàn giao được 50,02/72,38ha mặt bằng. Tuy nhiên, khi nhà thầu triển khai thi công thì một số vị trí các hộ dân ra cản trở, không cho thi công (phường Nam Hòa, Hiệp Hòa). Hiện nhà thầu chỉ có thể triển khai trên diện tích 33,34ha, bằng gần 50% diện tích mặt bằng. Trong đó, đáng chú ý toàn bộ diện tích đất ở chưa được bàn giao do TX Quảng Yên chưa phê duyệt được giá đất tái định cư nên chưa phê duyệt được phương án bồi thường để chi trả cho người dân.
Không chỉ khó khăn về mặt bằng, hạng mục đường được thiết kế đi qua nhiều vị trí địa hình phức tạp với nhiều ao, đầm, nền đất yếu. Để xử lý, biện pháp thi công được lựa chọn là sẽ áp dụng cọc cát, bấc thấm và thay đất phù hợp. Trong khi, nguồn nguyên vật liệu đất đắp thiếu, vận chuyển xa công trường. Nếu đảm bảo được nguồn đất đắp, phương án xử lý lún cũng cần khoảng 8-10 tháng mới tắt lún để thi công các hạng mục tiếp theo. Như vậy, chắc chắn tiến độ hoàn thành dự án vào cuối năm 2022 không thể đảm bảo.
Do vậy, để dự án sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả sau đầu tư, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nâng cao tăng trưởng ngành xây dựng… rất cần sự vào cuộc, quan tâm của các đơn vị, địa phương có liên quan, nhanh chóng đảm bảo mặt bằng sạch, triển khai dự án. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cũng cần tích cực, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết kịp thời khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, thay thế. Đồng thời chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thi công của các nhà thầu, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các vị trí mặt bằng đã có, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị để tăng tốc thi công bù tiến độ khi các khó khăn từng bước được giải quyết.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()