Tất cả chuyên mục

Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, chú trọng phối hợp và tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến giao thông huyết mạch; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; phát triển và chỉnh trang các đô thị theo hướng hiện đại, văn minh là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đã đặt ra. Thực hiện mục tiêu đó, trong 5 năm qua, tỉnh đã tạo được những đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
![]() |
QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long được cải tạo, nâng cấp theo hình thức BOT được đưa vào sử dụng từ ngày 18-5-2014. |
Có thể khẳng định, bức tranh giao thông trên địa bàn tỉnh ngày một sáng rõ, toàn tỉnh đã hoàn thành trên 30 dự án, trong đó có nhiều dự án trọng điểm là các dự án động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các tuyến đường, cây cầu, bến cảng, đường tới vùng sâu, vùng xa… liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trên khắp các địa phương đã tạo ra những huyết mạch giao thông quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt trong công cuộc xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó tạo nên một mạng lưới giao thông tương đối đồng bộ với 6 tuyến quốc lộ gồm: 18, 18B, 18C, 4B, 10 và 279 với tổng chiều dài 401km; trong đó QL18A là tuyến trọng yếu của tỉnh dài gần 300km xuyên suốt từ Đông Triều đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đặc biệt hai tuyến QL18C và QL18B với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng tới các cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) và Bắc Phong Sinh (Hải Hà) góp phần phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển mạnh mẽ.
![]() |
Thi công cốt thép xà mũ trụ cầu sông Chanh, dự án đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng. |
Cùng với đó, trong điều kiện nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông còn hạn chế, tỉnh ưu tiên và đa dạng các nguồn lực đầu tư, nhất là đẩy mạnh hình thức đối tác công - tư để xây dựng các công trình hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án hạ tầng giao thông mang tính đột phá qua các hình thức đầu tư BT, BOT, PPP… Bằng việc đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, Quảng Ninh là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách và ứng vốn cho Trung ương để cải tạo, nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc và thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP) hay đầu tư theo hình thức BOT, BT… Tiêu biểu, các dự án đã được triển khai khởi công như: Đường dẫn cầu Bắc Luân II; cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2016); cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương (phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2017)… Song song với đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh (phấn đấu triển khai thi công trong năm 2015); nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống cảng biển; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu... Phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để triển khai xây dựng, nâng cấp các tuyến đường bộ, đường sắt kết nối nhằm phát huy hiệu quả của liên kết vùng.
Có thể thấy rằng, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển có tính đột phá cao theo hướng bền vững, nhất là hệ thống đường cao tốc đang được tích cực triển khai, khi hoàn thành sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh của tỉnh để thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch và các dịch vụ khác. Đây sẽ là “đường băng” lớn để Quảng Ninh cất cánh bay xa trong tương lai rất gần.
Thái Cảnh
Ý kiến ()