Thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 10/5. Phó thủ tướng đồng ý phương án cho các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng học phí theo lộ trình nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Theo đó, từ năm tới, mức trần học phí đối với các trường đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (chưa tự chủ) là 1,41-2,76 triệu đồng một tháng, tuỳ từng khối ngành. Mức thu cũ là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.
Những trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2,8-5,5 triệu đồng). Những trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được thu cao nhất gấp 2,5 lần (3,5-6,9 triệu đồng).
Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai với người học và xã hội.
Như vậy, tùy mô hình trường đại học, tùy chương trình đào tạo, mức thu học phí sẽ khác nhau. Một trường đại học có thể có nhiều chương trình đào tạo như đại trà, chất lượng cao, liên kết.
Chẳng hạn, với ngành Y khoa chương trình đại trà, những trường Y, Dược công lập chưa tự chủ chi thường xuyên được thu tối đa 2,76 triệu đồng một tháng từ năm tới. Trong khi đó, trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Y Dược TP HCM được thu tối đa 6,9 triệu đồng một tháng, do những trường này đã tự chủ hoàn toàn.
Với chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình đã được kiểm định, mức thu có thể cao hơn nữa. Chẳng hạn, trường Đại học Y Dược TP HCM thu học phí ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 7,7 triệu đồng hay trường Y Phạm Ngọc Thạch từng dự kiến thu chương trình Y Việt - Đức là 19 triệu đồng mỗi tháng.
Nhìn chung, so với mức trần học phí năm 2022-2023, mức mới tăng 43-93%. Trong đó, khối ngành Y Dược thu mức cao nhất và cũng tăng cao nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là khung chung, các đại học căn cứ vào đó để tự quyết định học phí.
Mức trần học phí đại học công lập (với trường chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) theo nghị định 81 (đơn vị: 1.000 đồng/tháng/sinh viên) như sau:
Khối ngành |
Năm học 2023-2024 |
Năm học 2024-2025 |
Năm học 2025-2026 |
Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên |
1.410 |
1.590 |
1.790 |
Khối ngành II: Nghệ thuật |
1.350 |
1.520 |
1.710 |
Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật |
1.410 |
1.590 |
1.790 |
Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên |
1.520 |
1.710 |
1.930 |
Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y |
1.640 |
1.850 |
2.090 |
Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác |
2.090 |
2.360 |
2.660 |
Khối ngành VI.2: Y dược |
2.760 |
3.110 |
3.500 |
Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường |
1.500 |
1.690 |
1.910 |
Với bậc mầm non, tiểu học và THPT, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định, căn cứ theo điều kiện của địa phương.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể.
"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó thủ tướng nói và nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu xã hội hóa và phổ cập giáo dục phổ thông.
Ý kiến ()