Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:17 (GMT +7)
Đông Triều xây dựng đề án bảo tồn nghệ thuật chèo
Chủ nhật, 13/11/2022 | 13:27:02 [GMT +7] A A
Là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá, Đông Triều đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, một trong số đó là nghệ thuật hát chèo.
Đông Triều là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có truyền thống hát chèo rất nổi trội. Thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Đông Triều xuất hiện nhiều đội chèo diễn khá bài bản, quy mô như các gánh hát chèo ở các làng An Biên (xã Thuỷ An), làng Mỹ Cụ (xã Hưng Đạo), làng Quế Lạt (xã Hoàng Quế), làng Đức Sơn (xã Yên Đức)...
Hàng năm, Đông Triều tổ chức giao lưu văn nghệ, hội diễn nghệ thuật quần chúng, đã thu hút nhiều đội chèo, câu lạc bộ chèo tham gia. Qua hội diễn, các đội văn nghệ đã khai thác được nhiều tiết mục chèo cổ, đặt lời mới cho hát chèo, dàn dựng, biểu diễn khá hiệu quả, một số tiết mục còn được đi tham dự hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh và đạt nhiều giải cao. Năm 1967, do nguồn kinh phí có hạn, Đội Chèo Đông Triều giải thể, một số nghệ sĩ, diễn viên chuyển về Đoàn Chèo Quảng Ninh (nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh).
Hiện nay ở Đông Triều, những nghệ nhân chèo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Phần đông các cụ đều tuổi cao sức yếu, thậm chí có cụ đã không còn đủ minh mẫn, sức khỏe để truyền nghề. Nhiều làng vốn có truyền thống hát, diễn chèo, đến nay không còn nghệ nhân... Tất cả những điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình chuyển giao nghệ thuật chèo cho thế hệ sau. Trong khi đó, ở lứa tuổi trung niên có một số người thực sự say mê, tìm đến với nghệ thuật chèo, những mong học hỏi, tiếp thu và theo học vốn tinh hoa nghệ thuật của cha ông nhưng lại khó khăn trong việc nhận diện giá trị bản sắc dân tộc. Cách học, cách truyền dạy, cách giáo dục thế hệ trẻ yêu chèo, cách đưa chèo vào trường phổ thông, vào hoạt động du lịch còn lúng túng, tản mạn, manh mún và tự phát.
Hơn nữa, qua công tác sưu tầm, thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn thị xã, bộ môn chèo còn lại chủ yếu là một số làn điệu chèo cổ viết lời mới, các tiết mục hát múa chèo tự biên. Những vở diễn, trích đoạn, làn điệu chèo truyền thống mang đậm bản sắc quê hương hầu như đang bị mai một. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chèo truyền thống ở Đông Triều có thể mất, không còn ai biết đến. Vì thế, việc sưu tầm, ghi chép, lưu giữ, truyền dạy và phổ biến cho thế hệ trẻ, từng bước phát triển các chiếu chèo là hết sức cần thiết, cấp bách. Đây là hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng các thiết chế văn hoá, giữ gìn bản sắc văn hoá vùng đất, con người quê hương Đông Triều.
Do đó, Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo tại thị xã Đông Triều, giai đoạn 2022- 2025” là một đề án thiết thực, trực tiếp đặt ra các vấn đề cấp bách cần phải khảo sát, sưu tầm, tổng hợp, phân loại, đánh giá và có giải pháp, mô hình bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật chèo phù hợp trong tình hình hiện nay.
Đề án do Nhà hát Chèo Việt Nam và Viện Văn hóa dân gian Việt Nam tư vấn với mục tiêu bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa. Từ đó, mỗi làng, khu phố, địa phương xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đề án đưa ra các biện pháp sưu tầm, điều tra, rà soát, phân loại các vở, làn điệu, trích đoạn, nhạc cụ chèo, nghệ nhân chèo, làng chèo để nghiên cứu, đánh giá và đề ra các biện pháp, định hướng thật hữu ích cho nghệ thuật chèo phát triển. Cùng với đó là mở lớp bồi dưỡng hạt nhân, tổ chức đưa chèo vào sân khấu học đường, khôi phục các làng chèo cổ; thành lập các câu lạc bộ chèo; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, nói chuyện chuyên đề về chèo...
Đặc biệt chú trọng và đề xuất các cấp có chính sách cho các nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng có công duy trì và phát triển nhạc cụ dân tộc, dân ca và chèo. Thị xã quyết tâm từng bước đưa hoạt động đàn, hát, biểu diễn chèo trở thành nét văn hoá truyền thống và sản phẩm văn hóa du lịch của vùng đất Đông Triều, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thị xã.
Phạm Học
- Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
- Quảng Ninh tham gia đón nhận Bằng ghi danh hát then là di sản văn hóa đại diện của nhân loại
- Thực hành Then được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Kết nối các di sản văn hóa để phát triển du lịch
- Di sản nhà Trần đón đà mở cửa du lịch
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Quảng Yên có thêm 1 di sản văn hóa quốc gia, 1 di tích quốc gia
- Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Liên kết website
Ý kiến ()