Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:39 (GMT +7)
Đông Triều đẩy mạnh việc phục hồi, tôn tạo di tích
Chủ nhật, 12/03/2023 | 14:01:31 [GMT +7] A A
Đông Triều có trên 120 di tích các loại, là địa phương có số lượng lớn di tích của tỉnh. Dù vậy, quá trình biến động lịch sử, mưa nắng thời gian và sự huỷ hoại của con người cũng khiến số di tích bị tàn phá, xuống cấp rất nhiều. Những năm qua, Đông Triều đã tích cực huy động nguồn lực để phục hồi, tôn tạo lại các di tích của tiền nhân, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và phát triển du lịch địa phương.
Với chủ trương xã hội hoá nguồn lực trong tu bổ di tích, chỉ trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, diện mạo các di tích trên địa bàn đã có sự thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là các di tích thuộc quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều, với hàng loạt công trình lớn được đầu tư chủ yếu từ vốn xã hội hoá của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, như: chùa Ngoạ Vân, Trung Tiết, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Thái Miếu cùng hệ thống lăng tẩm các vua Trần. Trong số này có những quần thể di tích nằm trên núi cao, việc đi lại khó khăn, đòi hỏi sự tâm huyết cũng như nguồn kinh phí lớn để tu bổ, tôn tạo. Giờ đây, với diện mạo khang trang, bền vững hơn, các di sản nhà Trần đã và đang được du khách gần xa biết, tìm tới nhiều hơn.
Qua tìm hiểu được biết, tới đây thị xã dự kiến sẽ tiếp tục khởi công tu bổ, tôn tạo chùa - quán Ngọc Thanh, một di tích rất đặc biệt thuộc quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều, từ nguồn kinh phí do Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn Vingroup công đức. Nói đây là di tích đặc biệt bởi “Ngọc Thanh quán” tương truyền vốn là quán đạo nổi tiếng có từ thời Lý. Đến thời Trần được xây dựng khang trang trở thành chốn tùng lâm, đạo quán của các đạo sĩ tu tiên. Sau này, vua Trần Thuận Tông đã về đạo quán Ngọc Thanh, nhà Trần cũng cho dựng chùa Linh Khánh, lăng mộ vua Trần Duệ Tông và Trần Thuận Tông ở đây. Kết quả khảo cổ gần đây tại di tích này đã phát lộ những dấu tích nền móng kiến trúc từ thời Trần đến thời Nguyễn, trong đó có “huyệt đan sa”, một bộ phận không thể thiếu trong cấu trúc của đạo quán.
Bên cạnh đó, dự kiến trong năm nay, thị xã cũng sẽ tiếp tục tu bổ thêm 1 di tích cấp tỉnh là đình Triều Khê và hoàn thiện hồ sơ, tiến tới tu bổ chùa Bến Triều là di tích đã được kiểm kê, đều thuộc phường Hồng Phong. Trong đó, đình Triều Khê được xây dựng sau khi lập xã Triều Khê vào cuối thế kỷ XIX, thờ An Sinh vương Trần Liễu, vua Trần Anh Tông và hai vị cận thần của vua là Đặng Tảo và Lê Chung.
Đình, chùa Triều Khê nằm cận kề nhau, chùa đã được tôn tạo lại từ lâu, vì vậy việc tu bổ đình vốn đã bị xuống cấp rất nghiêm trọng cũng là đòi hỏi cấp thiết, nhằm gìn giữ một ngôi đình mang dấu ấn cổ xưa hiếm hoi còn lại trên mảnh đất Đông Triều ngày nay.
Cùng với quá trình tôn tạo, thị xã cũng chú trọng việc lập hồ sơ xếp hạng cho các di tích trên địa bàn. Gần đây nhất, trong đợt xét của Hội đồng Xét duyệt hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng cấp tỉnh vào cuối tháng 12 vừa qua, thị xã đã đề nghị xếp hạng cấp tỉnh đối với 6 di tích trên địa bàn. Đó là các di tích: Chùa Dương Đê, đền thờ Đức thánh Hang Son (xã Yên Đức), đình Mỹ Cụ (phường Hưng Đạo), đình - chùa Bình Lục (phường Hồng Phong), cụm di tích đình - chùa - nghè Đông Mai (xã Nguyễn Huệ), chùa An Biên (xã Thuỷ An). Vừa qua, thị xã đã đề nghị và tỉnh đã có Quyết định phê duyệt bổ sung di tích lịch sử miếu Bến Bàng (phường Mạo Khê) vào danh mục di tích của tỉnh.
Anh Nguyễn Ngọc Lâm, Phó trưởng Phòng VHTT thị xã, cho hay, thời gian tới thị xã sẽ tiếp tục đề nghị lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh đối với 2 điểm di tích mới khảo cổ là chùa Trại Cắp (Trại Cấp), chùa Am Hoa (xã Tràng Lương). Việc này trước mắt là để khoanh vùng bảo vệ di tích và cảnh quan thiên nhiên xung quanh, phục vụ phát huy giá trị di tích sau này, liên quan tới cả chuỗi di tích nhà Trần cùng trên tuyến đường này như Hồ Thiên, Ngoạ Vân…
Đối với 2 điểm di tích kể trên, qua khảo cổ, nghiên cứu đã được các nhà khoa học nhận định đây là các chùa, am tháp có gắn bó mật thiết với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nằm trong quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc, hiện đang được 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang phối hợp lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Cụ thể, với chùa Am Hoa, các nhà khoa học đã phát hiện được những kiến trúc thời Lê Trung Hưng vào khoảng thế kỷ 17 tại mặt bằng khảo cổ. Với khu vực Trại Cắp, qua 2 đợt nghiên cứu thì tìm thấy cả dấu tích kiến trúc thời Trần và thời Lê Trung Hưng, đều là những giai đoạn phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định rằng, từ những phát hiện tiếp tục khẳng định Phật giáo Trúc Lâm có sự phát triển nối tiếp qua các giai đoạn trong khu vực này. Thêm nữa, chùa Trại Cắp là kiến trúc lớn, lại ở dưới thấp, gần với các khu vực sản xuất lương thực, vì vậy nơi đây có thể vừa là một trung tâm tôn giáo, thực hành nghi lễ của người dân trong khu vực, vừa là nơi cung cấp hậu cần cho sư tăng trên các vùng núi cao thuộc Phật giáo Trúc Lâm ở khu vực núi Yên Tử, như chùa Ngoạ Vân, Hồ Thiên...
Ngọc Mai
- Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh đình Quất Đông
- Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng được xếp hạng Di tích Quốc gia
- Trồng tùng Cô Tô tại khu di tích K9
- Di tích lịch sử Nhà giam tù chính trị của thực dân Pháp ở phường Hồng Gai được xếhạng cấp tỉnh
- Những đạo sắc phong ở di tích Bạch Đằng
Liên kết website
Ý kiến ()