Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
Đông Triều: Đẩy mạnh đào tạo nghề
Thứ 3, 27/08/2024 | 05:22:09 [GMT +7] A A
TX Đông Triều đang trên đà phát triển, chuẩn bị lên thành phố, việc đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao, đang được địa phương quan tâm đẩy mạnh.
Công tác đào tạo nghề trên địa bàn thị xã được triển khai đồng bộ, có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là thực hiện các chính sách về đào tạo lao động chất lượng cao. Ông Thái Duy Hưng, Giám đốc Trung tâm GDNN&GDTX thị xã, cho biết: Hằng năm Trung tâm rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đề xuất phương án đầu tư, đảm bảo đáp ứng đào tạo tập trung cho các nghề trọng điểm. Đến nay Trung tâm cơ bản đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác dạy nghề. Trung tâm hiện có 2 cơ sở đào tạo đặt tại phường Mạo Khê và phường Kim Sơn. Trung tâm bước đầu trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác dạy hướng nghiệp, nghề phổ thông, nghề liên kết, nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).
Công tác hỗ trợ học nghề theo Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025" được thị xã chỉ đạo đảm bảo theo quy định: Hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho 2.749 người, tổng số kinh phí trên 6,2 tỷ đồng.
Thị xã mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề đang thiếu, như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ; tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trên địa bàn, hằng năm thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Đến nay thị xã đã hợp tác, liên kết với 11 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn.
Trung tâm GDNN-GDTX thị xã đã xin mở mã ngành, xin cấp phép đào tạo trình độ sơ cấp 5 nghề: Chế biến món ăn và phục vụ; tin học văn phòng; điện dân dụng; kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí; trồng rau an toàn. Sau khi ra trường 100% học viên được giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng trong thị xã và tỉnh.
Đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những chủ trương lớn của thị xã trong xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, phường căn cứ kế hoạch đào tạo nghề của thị xã hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm vào chương trình công tác hằng năm của địa phương, đơn vị; đồng thời khai thác có hiệu quả các trung tâm học tập cộng đồng, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho LĐNT về kiến thức chuyển giao công nghệ, KHKT, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đến nay, công tác đào tạo nghề của thị xã có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình và hình thức đào tạo theo hướng xã hội hóa, hợp tác liên kết để nâng cao chất lượng, gắn với nhu cầu xã hội. Một số địa phương áp dụng mô hình đào tạo thí điểm đã thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động. Tiêu biểu như các mô hình học nghề trồng cây ăn quả, rau sạch, nuôi cá chép thương phẩm, nấu ăn, móc chỉ, sản xuất gốm thô, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Từ năm 2021 đến nay, thị xã phối hợp mở được 24 lớp đào tạo nghề LĐNT cho 803 học viên; trong đó có 376 học viên sau đào tạo được các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng (đạt 46,82%). Tổng kinh phí chi cho đào tạo nghề từ 2020-2024 gần 2 tỷ đồng.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()