Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:11 (GMT +7)
Dòng tiền của nhà nước đi tới đâu, phải có cơ chế quản lý và theo dõi tới đó
Thứ 6, 29/11/2024 | 22:30:59 [GMT +7] A A
Với nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý và theo dõi đồng tiền đó, đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng phạm vi quản lý, giám sát đối với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 29/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), doanh nghiệp nhà nước hiện đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn và tài sản rất lớn nhưng hoạt động kém năng động, hiệu quả mang lại thấp hơn doanh nghiệp tư nhân.
Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc các doanh nghiệp.
Với nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý và theo dõi đồng tiền đó, đại biểu đề nghị cần phải mở rộng đối tượng, đưa các yêu cầu có tính nguyên tắc vào quản lý, giám sát đối với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50% và cả những doanh nghiệp F2, F3 là những doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn.
Đặc biệt, đại diện phần vốn nhà nước nên sửa đổi cho phù hợp, thay vì một nhóm người thì nên để cơ quan đại diện chủ sở hữu cử hoặc thuê người đại diện quyền và chịu trách nhiệm quản lý tiền vốn. Người đại diện không chỉ được giao và thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, mà cần phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, lựa chọn theo tiêu chuẩn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) lấy thí dụ 1 công ty cổ phần có phần vốn nhà nước chiếm 49%, số còn lại chia cho 5 cổ đông lớn khác, mỗi người sở hữu chưa đến 10% cổ phần. Như vậy vốn nhà nước sẽ chiếm ưu thế, nếu không quy định sẽ không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thi hành, theo dõi?
Nữ đại biểu băn khoăn phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp này sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào, phần lợi nhuận thu được từ đầu tư vốn sẽ được xử lý ra sao, hay chế tài xử lý vi phạm thế nào?
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của nhà nước là dòng tiền nhà nước đi tới đâu thì nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần. Có như vậy mới bảo đảm được nguyên tắc quản trị tài chính.
Làm rõ vai trò cổ đông nhà nước
Góp ý thêm vào dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá cao nguyên tắc quy định tại Điều 5 là vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp thì kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là quyền của doanh nghiệp chứ không phải quản lý như vốn của ngân sách.
Do vậy, phải bỏ các quy định đang áp dụng như áp dụng của Luật Đầu tư công trong thẩm quyền quyết định đầu tư tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 về việc phân định thẩm quyền đầu tư vốn của doanh nghiệp và trả lại quyền này là quyền tự quyết định của doanh nghiệp.
“Cần phải bổ sung quy định là nhà nước sau khi đã đầu tư vốn vào doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông sở hữu phần cổ phần theo tỷ lệ vốn đầu tư. Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người hoặc thuê người đại diện để thực hiện quyền cổ đông của mình trong doanh nghiệp”, đại biểu Cường đề xuất.
Khi đó, người đại diện sẽ phải chịu trách nhiệm về quản lý tiền vốn của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp đó, đồng thời phải thực hiện các mục tiêu mà Nhà nước mong muốn doanh nghiệp này phải thực hiện.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua việc giao các chỉ tiêu kế hoạch mà doanh nghiệp phải thực hiện như chỉ tiêu về bảo toàn vốn, chỉ tiêu về tăng vốn, chỉ tiêu về trích nộp lợi nhuận tương ứng với phần vốn mà doanh nghiệp đã sử dụng.
Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp với các vị trí quản trị doanh nghiệp và khi đó doanh nghiệp hoạt động mới có hiệu quả.
Để bảo đảm tiền vốn đầu tư của doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp cũng như hoạt động của người đại diện chủ sở hữu.
Với tư duy này, đại biểu Cường cho rằng, quy định về công tác nhân sự ở Điều 13 chỉ nên quy định về yêu cầu nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan chủ sở hữu, còn việc bổ nhiệm các vị trí quản lý trong doanh nghiệp thì do người đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp tự quyết định theo các tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước.
Liên quan đến phân phối lợi nhuận, đại biểu đoàn Hà Nội nhận định, cơ chế phân phối lợi nhuận hiện tại theo dự thảo quy định sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều vì tất cả đều chỉ được trích tối đa 3 tháng tiền lương để đưa vào quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi.
Nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả nhưng mức tự trả lương cao thì không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng thu nhập hằng tháng của người lao động vẫn cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tự xác định mức lương thấp, kinh doanh tốt, lợi nhuận nhiều, dù được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng thì thu nhập của người lao động vẫn thấp.
“Việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích lũy để phát triển, trích lập quỹ dự phòng. Phần còn lại sẽ được phân phối cho người lao động và như vậy người lao động sẽ được hưởng theo thành quả, nếu lợi nhuận còn lại nhiều thì được hưởng nhiều, lợi nhuận ít sẽ được hưởng ít”, đại biểu nêu rõ quan điểm.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()