Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:31 (GMT +7)
Động thái mới nhất của Thụy Điển có thể hủy hoại nỗ lực gia nhập NATO
Thứ 5, 29/06/2023 | 10:42:55 [GMT +7] A A
Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án quyết định của chính quyền Thụy Điển cho phép một cuộc biểu tình đốt Kinh Qur'an diễn ra bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Stockholm ngày 28/6.
Đây là một động thái có thể gây nguy hiểm cho nỗ lực gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển trước hội nghị thượng đỉnh quan trọng của khối vào tháng 7.
Trong cuộc biểu tình ngày 28/6, chỉ duy nhất có một người tham gia kế hoạch đốt kinh Qur'an. Thời điểm xảy ra hành động biểu tình trùng với ngày lễ Eid-al-Adha – một trong những ngày lễ quan trọng của người Hồi giáo.
Cảnh sát Thụy Điển cho biết quyết định cho phép hành động biểu tình được đưa ra phù hợp với quyền tự do ngôn luận, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc biểu tình này đã không gây ra rủi ro an ninh.
Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra phản ứng dữ dội ở Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO vẫn đang cản trở nỗ lực gia nhập của Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã lên án cuộc biểu tình ngày 28/6: “Không thể chấp nhận được việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này".
Ông Fahrettin Altun, Giám đốc Truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, đăng một dòng trạng thái trên Twitter, nói rằng đây là hành vi tạo điều kiện cho chủ nghĩa bài Hồi giáo và các hành động thù hận tôn giáo của Thổ Nhĩ Kỳ ở các chính quyền châu Âu, đặc biệt là ở Thụy Điển. Ông nói: "Ai muốn trở thành đồng minh của chúng tôi trong NATO thì không thể dung thứ hoặc cho phép các hành vi phá hoại này”.
Thổ Nhĩ Kỳ là trở ngại lớn nhất đối với nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển. Đầu năm nay, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Thụy Điển đã bị giáng một đòn nặng nề sau một cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, trong đó một chính trị gia chống nhập cư đã đốt một quyển Kinh Qur'an.
Vụ việc đã làm chính quyền ở thủ đô Ankara tức giận. Nhiều người biểu tình xuống đường và đốt cờ Thụy Điển bên ngoài đại sứ quán Thụy Điển ở Ankara để đáp trả.
Theo hãng thông tấn Anadolu, vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ lỗi cho chính phủ Thụy Điển, nói rằng họ đã cho phép hành động đó xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 27/6, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết Thụy Điển đã đáp ứng các điều kiện cần thiết do Thổ Nhĩ Kỳ đề ra để gia nhập NATO, bao gồm cả việc đưa ra luật chống khủng bố mới.
“Luật mới gần đây đã có hiệu lực ở Thụy Điển, quy định rằng tham gia một tổ chức khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào nhằm thúc đẩy, củng cố hoặc hỗ trợ tổ chức này là bất hợp pháp. Chúng tôi đang thực hiện những phần cuối cùng trong thỏa thuận”, Ngoại trưởng Billstrom nói.
Tuy nhiên, quyết định cho phép một cuộc biểu tình đốt Kinh Qur'an có thể làm tổn hại thêm mối quan hệ giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như làm sứt mẻ hy vọng gia nhập NATO của nước này.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()