Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:30 (GMT +7)
Đông Nam Á thành thiên đường cho người nước ngoài nghỉ hưu
Chủ nhật, 19/03/2023 | 09:44:44 [GMT +7] A A
Steven Johnson, người Mỹ, thường ngồi trong túp lều gỗ ở Cavite, tỉnh phía nam thủ đô Manila, để quay video hướng dẫn những người nước ngoài khác điều cần thực hiện để có cuộc sống nghỉ hưu thoải mái ở Philippines.
Sống thoải mái "như vua"
Ông Johnson, 59 tuổi, là nhân viên an toàn trường học ở Mỹ. Kể từ khi chuyển đến Philippines cách đây 5 năm sau khi nghỉ hưu, ông trở thành YouTuber điều hành “Kênh thông tin Philippines” phục vụ hầu hết những người phương Tây muốn nghỉ hưu ở quốc gia Đông Nam Á này.
Johnson cũng dẫn dắt một nhóm khoảng 150 người nước ngoài đã về hưu, một số đang nuôi con cùng với bạn đời người Philippines như ông.
“Chúng tôi có một cuộc sống tốt đẹp ở đây" - ông Johnson nói với The Straits Times từ ngôi nhà trên đỉnh một ngọn đồi mát mẻ nhìn ra khu vực cây cối tươi xanh và một dòng sông.
Ông là một trong số hơn 73.800 người sở hữu thị thực hưu trí thường trú đặc biệt của Philippines. Chương trình này được thiết kế để thu hút người nước ngoài từ 50 tuổi trở lên gọi đất nước này là quê hương thứ hai của họ.
Các quốc gia Đông Nam Á khác cũng cung cấp thị thực tương tự hoặc giấy phép lưu trú tạm thời cho phép người nước ngoài về hưu sống, làm việc hoặc học tập ở đây trong một thời gian nhất định và được hưởng các đặc quyền như ưu tiên nhập cảnh nhiều lần, bảo hiểm y tế và miễn thuế.
Lương hưu hàng tháng của ông Johnson khoảng 3.000 USD - quá đủ để sống ở một thành phố nơi thuê 3 căn hộ dạng 1 phòng ngủ liền kề cho bạn gái 45 tuổi của ông, con gái của bà đang học đại học và 2 con nuôi của họ chỉ tốn khoảng 190 USD/tháng.
Số tiền này rẻ hơn khoảng 10 lần so với việc thuê một căn hộ ở quê nhà ông ở Lawrence, Massachusetts, Mỹ.
“Kiếm được 1.500 USD/tháng là đủ để tồn tại ở đây. Nhưng khi trở lại Mỹ, đó sẽ là tiền thuê nhà của bạn và bạn sẽ khánh kiệt. Ở đây, bạn giàu có, bạn có thể sống như một vị vua" - Johnson nói.
Tổng giám đốc Cơ quan Hưu trí Philippines Bienvenido Chy cho biết, những người về hưu cũng mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, vì họ thường thuê trung bình 4 người Philippines làm các công việc gia đình và thỉnh thoảng tham gia vào hoạt động từ thiện.
Ông Johnson sử dụng số tiền kiếm được từ kênh YouTube để phát gạo cho hàng xóm và hỗ trợ khoảng 30 trẻ em có nhu cầu đặc biệt mỗi tháng.
Một số người nước ngoài may mắn như ông Johnson không chỉ tìm thấy một nơi nghỉ hưu lý tưởng mà còn tìm thấy ngôi nhà mới với những người họ coi như gia đình.
“Bạn thực sự có thể tận hưởng ở nơi này và kết bạn với nhiều người. Thật tốt khi nghỉ hưu ở đây” - ông Johnson nói trong một trong những video được xem nhiều nhất trên kênh YouTube của ông.
Đích đến của hàng nghìn người nước ngoài
Theo Straits Times, Đông Nam Á từ lâu đã trở thành điểm nóng với hàng nghìn người nước ngoài đang tìm kiếm nơi ở hoặc nơi làm việc mới có thời tiết nhiệt đới, nền văn hóa phong phú, hàng hóa và nhà ở giá rẻ, gần gũi với thiên nhiên và động vật hoang dã.
Họ thường sống tại các thành phố thủ đô hoặc gần đó để dễ dàng tiếp cận các khu thương mại hoặc các điểm du lịch hàng đầu như Bali ở Indonesia và Boracay ở Philippines.
Theo hãng tin Singapore, dù cũng không tránh khỏi còn những ý kiến trái chiều nhưng người dân ở Đông Nam Á nói chung chào đón những người về hưu nước ngoài, những người trong nhóm digital nomad (tạm dịch: Dân du mục kỹ thuật số) - tức những người sử dụng Internet và các thiết bị công nghệ để làm việc từ xa - và các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài những người hưu trí, Đông Nam Á cũng đang thu hút ngày càng nhiều những người du mục kỹ thuật số và các chuyên gia giàu có. Đây là những người có tiền để chi tiêu và đang tìm kiếm sự thay đổi trong môi trường sống.
Dù không có con số chính thức nhưng nhà phân tích chính sách Kate Hooper của Viện Chính sách Di cư lưu ý, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng này trong năm 2020, khi các lệnh phong tỏa và đóng cửa biên giới mở ra một kỷ nguyên mới của làm việc từ xa.
Chính sức hấp dẫn của việc thưởng thức đồ uống bên bãi biển trong khi vẫn kiếm được đồng tiền có sức mua cao đang thúc đẩy xu hướng toàn cầu này.
Các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Indonesia và Thái Lan, đang tận dụng xu hướng này thông qua cấp thị thực đặc biệt cho những người du mục kỹ thuật số.
Tùy thuộc theo chương trình, ứng viên được yêu cầu nộp bản sao hợp đồng làm việc hoặc phải đầu tư một số tiền nhất định vào ngân hàng địa phương để được hưởng các đặc quyền.
Các chính phủ coi những thị thực đặc biệt này là cách để giảm bớt tác động của đại dịch với ngành du lịch địa phương. Chính sách này thu hút những du khách dài hạn tiềm năng, những người có thể tạo thu nhập cho người dân địa phương vốn phụ thuộc vào lượng khách du lịch đến theo mùa.
Chương trình này không chỉ giúp các chính phủ quảng bá Đông Nam Á như một thiên đường du mục kỹ thuật số mà còn giúp giải quyết một vùng xám liên quan đến những người nước ngoài này.
Nhiều người du mục kỹ thuật số trước đó vào khu vực này bằng thị thực du lịch ngắn hạn. Khi gần hết hạn, nhiều người xuất cảnh ra nước ngoài vài ngày rồi trở lại để bắt đầu đợt thị thực mới.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()