Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:14 (GMT +7)
Động lực thúc đẩy xã hội phát triển bền vững
Thứ 5, 14/12/2023 | 07:06:55 [GMT +7] A A
Những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm
Xác định công tác an sinh xã hội là một chủ trương lớn, song song với việc phát triển kinh tế, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Năm 2023, tổng chi an sinh xã hội ước thực hiện 1.437 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng so với năm 2022. Công tác an sinh, phúc lợi xã hội luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, triển khai đầy đủ, đồng bộ các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.
Trong việc chăm lo người có công và gia đình chính sách, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn mức của Trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, tận tình; quan tâm, chăm lo các đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội.
Tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện một số chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy, như: Tạo ra 20.000 việc làm tăng thêm; hỗ trợ cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; kế hoạch chuẩn bị 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 70%...
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan tâm củng cố, nâng cao năng lực y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở bảo đảm chủ động, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh. Tiếp tục hoàn thiện đề án nâng cao năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng; đề án tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế tỉnh năm 2023; đề án dân số và phát triển tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tập trung xây dựng, triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; chỉ đạo các địa phương rà soát quỹ đất phục vụ cho phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao; triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS, THPT. Thực hiện tốt đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên. Công tác giáo dục học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập cho con em đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.
Đặc biệt, với phương châm “Mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời cụ thể hóa nội dung chủ đề công tác năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo, huy động các nguồn lực, phát động đợt cao điểm ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Đây là chủ trương lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo niềm tin “an cư lạc nghiệp”, tiếp thêm động lực cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kết quả đáng khích lệ
Minh chứng rõ nét nhất trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh chính là tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, chất lượng đời sống nhân dân ngày một nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương. Quảng Ninh hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương.
Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 86,46%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 50%. Năng suất lao động bình quân năm ước đạt 458,5 triệu đồng/người. Ước cả năm, tổng số lao động được tạo việc làm tăng thêm 21.000 người, vượt 5% kế hoạch năm. Dự kiến, số người tham gia BHXH là 289.000 người (tăng 14.557 người), số người tham gia BHTN là 250.000 người.
Số người tham gia BHYT đạt trên 1,28 triệu người. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,3%; đạt 55 giường bệnh, 15 bác sĩ, 2,7 dược sĩ đại học, 24 điều dưỡng trên 1 vạn dân (cao hơn trung bình cả nước); tuổi thọ bình quân của người dân Quảng Ninh ước đạt 73,8 tuổi; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn đạt 90,22%; đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn đạt gần 90%. Hiện tỉnh được công nhận đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Trong năm, đã có 1.450 hộ gia đình người có công được hỗ trợ về nhà ở, với tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách trên 81,7 tỷ đồng; các địa phương hoàn thành xong chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát với 441/441 nhà, tổng kinh phí đã huy động 32,96 tỷ đồng.
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu. Các mục tiêu xây dựng NTM đặt ra trong Nghị quyết số 12-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch. Đến hết năm 2023, tỉnh có 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 5 xã); 28/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 5 xã); 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 60,2 triệu đồng, tăng 14,1 triệu đồng so với năm 2020.
Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu lâu dài, xuyên suốt, bao trùm mà tỉnh xác định; hướng tới mục tiêu xây dựng Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người dân có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()