Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:13 (GMT +7)
Chủ đề công tác năm 2023: Động lực thúc đẩy phát triển KT-XH
Thứ 3, 13/06/2023 | 16:02:06 [GMT +7] A A
Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023 trong điều kiện có nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, bám sát chủ đề công tác năm của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã cụ thể hoá nhiệm vụ bằng nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả.
Tiếp tục nhận diện những khó khăn trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh linh hoạt trong trong chỉ đạo, điều hành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp. Với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và bền vững”, ngày 12/2, Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng được tổ chức tại Quảng Ninh đã thu hút nhiều đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong vùng, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và cũng là cơ hội để các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để phát triển. Quảng Ninh cũng mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư và các nguồn lực phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Bên lề hội nghị, đã có 2 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là dự án Công ty TNHH Autoliv Việt Nam tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) và dự án Sản xuất sản phẩm khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên).
Cùng với đó, tỉnh chủ chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics Quảng Ninh với sự tham gia của gần 800 đại biểu trong và ngoài nước. Thông qua hội nghị đã có 5 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác giữa các sở của tỉnh và hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp được ký kết liên quan đến các lĩnh vực phát triển dịch vụ logistics, chuyển đổi số trong logistics và phát triển nhân lực logistics...
Triển khai chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023, từ đầu năm đến nay lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành đã gặp gỡ, tiếp xúc, quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh với một số tập đoàn kinh tế nước ngoài lớn như LG Display (Hàn Quốc), Công ty CFHEC - Tập đoàn xây dựng giao thông vận tải Trung Quốc (CCCC), Tập đoàn Navigos (Việt Nam - Nhật Bản), Tập đoàn Zuru (New Zealand)...; tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản năm 2023; tham dự cuộc gặp gỡ giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đoàn 60 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc)...
Trong thu hút đầu tư, tỉnh luôn cam kết không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch về thủ tục; hỗ trợ nhà đầu tư trong cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, thủ tục đầu tư; xây dựng và triển khai dự án, hạ tầng phục vụ dự án... Tính đến hết tháng 5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt gần 534,76 triệu USD, tương đương 12.342 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 44,6% kế hoạch thu hút vốn FDI của tỉnh trong năm 2023.
Với mục tiêu "để mỗi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực lớn để không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, quan tâm chất lượng đào tạo nghề, chất lượng lao động gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, sinh kế và nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh ngiệp vừa và nhỏ ổn định, phát triển; tăng cường hỗ trợ thu hút, tuyển dụng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là các dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trong KCN, KKT của tỉnh...
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho 9.600 người, tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Ở mỗi thời điểm, tỉnh lại vận dụng những chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu “vì lợi ích của người dân”. Tại kỳ họp thứ 13 (tổ chức cuối tháng 3/2023), HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện KT-XH địa phương; người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng viễn thông, giáo dục đào tạo, y tế... nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Với những nỗ lực đó, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Quảng Ninh hiện không có huyện nghèo, xã nghèo; TP Hạ Long không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; 3 địa phương là Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn không còn hộ nghèo; 9 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()