Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Hạ Long: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo Động lực quan trọng xây dựng thành phố thông minh
Thứ 3, 09/11/2021 | 08:24:15 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chỉ rõ, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và của nhân dân toàn thành phố, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Để thích ứng và hội nhập cùng cuộc cách mạng công nghệ 4.0, gắn với đào tạo những công dân toàn cầu, ngành GD&ĐT TP Hạ Long trong những năm qua đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý. Qua đó, từng bước hình thành nền tảng số trong xây dựng xã hội học tập, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Hạ Long trở thành một thành phố thông minh.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các trường học
Từ năm 2020, Trường THCS Lê Văn Tám di chuyển đến địa điểm mới ở phường Bạch Đằng. Tại cơ sở mới trang thiết bị giảng dạy, học tập của thầy và trò nhà trường được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Trong mỗi giờ học, thầy và trò nhà trường làm quen với nhiều thiết bị thông minh như bảng điện tử, máy tính kết nối Internet.
Được biết, để có những "giờ học thông minh", giáo viên của trường không chỉ tham gia các lớp tập huấn về sử dụng công nghệ, mà còn tự mày mò, nghiên cứu cách giảng dạy mới với các thiết bị thông minh. Điều này giúp các giờ học của thầy và trò nhà trường ngày càng sinh sộng, hấp dẫn hơn. Học sinh Đỗ Hoàng Văn (lớp 9A5) chia sẻ: Trừ môn thể dục, tất cả các môn học còn lại chúng em đều được học và tương tác với thầy cô qua bảng thông minh. Với từng môn học cụ thể, các thầy cô đều chuẩn bị bài giảng rất phong phú, sinh động, thậm chí có cả trò chơi, giúp chúng em tiếp thu kiến thức tốt nhất, nên không gây cảm giác nhàm chán. Chúng em cũng tham gia phát biểu ý kiến sôi nổi hơn.
Nâng cao ứng dụng CNTT trong hoạt động giáo dục và đào tạo cũng là một trong những giải pháp trọng tâm được Trường THCS Trần Quốc Toản chú trọng trong những năm qua. Đây hiện là ngôi trường có đông học sinh nhất trong khối THCS (khoảng 2.000 học sinh) của TP Hạ Long; cũng là ngôi trường có nhiều thành tích trong hoạt động giảng dạy, học tập của ngành Giáo dục thành phố.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với phương châm “Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”, nhà trường đã biến khó khăn thành cơ hội, cùng nhau thiết lập phương thức học tập mới.
Theo đó, trường đã chuyển mô hình dạy học truyền thống thuần túy sang nền tảng số, từ các cuộc họp chi bộ, họp Hội đồng giáo dục, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, đến các cuộc họp với cha mẹ học sinh. Đồng thời, trường cũng chuyển đổi hồ sơ, sổ sách (bản giấy) sang lưu giữ điện tử, kết hợp quản lý trực tiếp và trực tuyến; quản lý sĩ số, kiểm tra, đánh giá quá trình học tập, thực hiện sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; quản lý việc chuyển trường của học sinh qua ứng dụng Smats; tổ chức tuyển sinh đầu cấp qua phần mềm do Viettel cung cấp...
Thông qua các hoạt động này, trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều thầy cô đã có những sáng kiến, cách làm hay về việc sử dụng các phần mềm trong giảng dạy, được nhân rộng trong toàn ngành như Google Classroom trong phân công nhiệm vụ, đánh giá mức độ hoàn thành, quản lý tiến trình dạy và học của cán bộ, giáo viên, học sinh.
Từ đó, đưa ra các giải pháp cải thiện chất lượng giảng dạy. Đặc biệt hơn là chất lượng bồi dưỡng học sinh đại trà, cũng như chất lượng mũi nhọn của nhà trường có những khởi sắc đáng mừng.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường học trong ngành GD&ĐT của TP Hạ Long thời gian qua đã có những đổi mới, chuyển biến căn bản trong công tác dạy và học, hướng tới ứng dụng CNTT. Trong đó, dạy học trực tuyến, dạy học trên bảng thông minh, đưa các phần mềm quản lý điện tử vào ứng dụng... là những bước đi đầu tiên, đem lại thành công trong chuyển đổi số của ngành giáo dục TP Hạ Long. Cũng từ những bước đi thành công này, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài nhưng năm học 2020-2021 và học kỳ đầu tiên của 2021-2022, ngành Giáo dục thành phố vẫn bảo đảm sức khỏe, an toàn cho gần 80.000 học sinh, giáo viên.
Phát triển hệ sinh thái giáo dục thông minh
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Từ thực tế nhiều năm cho thấy, chuyển đổi số đã giúp ngành GD&ĐT thành phố có những thay đổi rất cốt lõi, từ cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành đến hình thành và phát triển hệ sinh thái giáo dục thông minh, đa dạng các hình thức, giải pháp tiếp cận nhu cầu học tập suốt đời của người học, góp phần giảm thiểu bất bình đẳng trong giáo dục giữa học sinh của các vùng, miền, đặc biệt là vùng còn khó khăn của thành phố.
Trong giai đoạn tới, TP Hạ Long xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Cuối tháng 9/2021, UBND TP Hạ Long đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành GD&ĐT TP Hạ Long giai đoạn 2021-2025, với tầm nhìn và các mục tiêu, giải pháp, hướng đi rất cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để ngành GD&ĐT thành phố tổ chức thực hiện chuyển đổi số trong cả giáo dục đào tạo chính quy và giáo dục thường xuyên.
Mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số là đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong quản lý, đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% học sinh, sinh viên thành phố được tiếp cận internet và kho học liệu trực tuyến; hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và hệ thống dạy - học trực tuyến cho các trường phổ thông; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục có Trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin, triển khai ứng dụng trên thiết bị thông minh đối với cha mẹ học sinh, học sinh để cung cấp thông tin, tham gia các dịch vụ của nhà trường...
Để đạt được mục tiêu này, TP Hạ Long phải tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông, cơ sở hạ tầng, các thiết bị phần mềm dạy học và bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Bà Vi Thị Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố, chia sẻ: Trước mắt, Phòng sẽ tháo gỡ dần những vướng mắc để tiến tới đạt được những mục tiêu đã đặt ra. Đơn cử như năm học 2021-2022, phòng GĐ&ĐT thành phố sẽ tổ chức rà soát lại dịch vụ công của ngành và của các trường để chuyển sang số hóa mức độ 3, 4, liên quan đến các hoạt động sau: Tuyển sinh; chuyển, nhận học sinh; xác nhận kết quả, tình trạng học tập; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; phối hợp với các phòng, ban của thành phố, Sở GD&ĐT thống nhất các biểu mẫu báo cáo; nghiên cứu triển khai hệ thống quản trị học tập trực tuyến thống nhất, từng bước xây dựng kho học liệu số chuẩn hóa, hiện đại (như học liệu số tương tác 3D, học liệu số tương tác thực tế ảo); triển khai có hiệu quả việc giảng dạy bộ môn tin học trong các trường phổ thông theo chương trình GDPT 2018; triển khai các chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng, tư duy số...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()